Liên kết website

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

05306246
Hôm nayHôm nay1506
Hôm quaHôm qua3998
Tháng nàyTháng này60001
Tổng cộngTổng cộng5306246

Hiện nay, phong trào trồng cây dược liệu của bà con nông dân Lâm Đồng đang từng bước hình thành. Ngoài cây dược liệu Artiso là cây trồng truyền thống, đã xuất hiện điểm trồng Diệp hạ châu ở Cát Tiên, Đương quy ở Lâm Hà, có một số hộ đã và đang trồng cây hoa hòe, bạch chỉ, ba kích, đan sâm, sâm đại hành, huyền sâm… Tuy nhiên, thị trường của cây dược liệu vẫn chưa phổ biến như các mặt hàng khác và hướng làm ăn mới là trồng dược liệu cũng còn bỡ ngỡ với đa số nông dân tỉnh nhà.

Huyền sâm là cây giống nhập nội, di thực từ Trung Quốc và đã được thuần hóa, có tên khoa học là Scrophularia ningpoensis Hemsl. Chữa các bệnh về đường hô hấp, viêm nhiễm... Được sự giới thiệu của người quen, tôi tới thăm vườn trồng cây huyền sâm của anh Hoàng Văn Nam ở thôn 5 - xã Đinh Trang Hòa - huyện Di Linh. Có lẽ anh là người tiên phong trồng cây huyền sâm ở vùng đất này.

Vườn trồng cây huyền sâm của anh Hoàng Văn Nam

Anh trồng vào tháng 10 năm 2016, diện tích trồng khoảng 7.000m2. Đất trồng huyền sâm trước đây là vườn cà phê, anh đã mạnh dạn phá bỏ vườn cà phê cũ để chuyển đổi qua trồng dược liệu. Luống trồng cao 30cm, trên mỗi luống trồng hai - ba hàng cây, cách nhau 40cm, cây cách cây 35cm. Huyền sâm là cây thân thảo cao 1-1,5m, thân vuông có rãnh dọc ở giữa các cạnh của thân, lá đơn mọc đối chữ thập, mép lá có răng cưa, kích thước lá 6x12cm. Thân và lá có lông trắng mềm. Hoa màu tím đỏ. Rễ lúc mới thu hoạch có màu trắng xám, sau khi chế biến rễ biến thành màu đen. Khi trồng, cây cao 35-40 cm nông hộ bấm ngọn và chồi mọc từ nách lá, chỉ giữ lại một thân chính. Hiện tại, cây sinh trưởng phát triển tốt, cây xanh tốt, ít sâu bệnh hại. Anh đã hợp tác với người quen để trồng huyền sâm, họ đã đưa hạt giống và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra, anh trồng theo hướng dẫn kỹ thuật của bên đưa hạt giống. Do cây trồng trải qua mùa khô, nên anh đã làm hồ chứa nước để chủ động nước tưới. Giữa các luống cây huyền sâm, anh đã trồng xen cây sầu riêng ghép và cây bơ ghép. Trong khi chờ hai loại cây ăn trái này cho thu hoạch, trước mắt anh sẽ có nguồn thu từ trồng cây huyền sâm, góp phần lấy ngắn nuôi dài.

Dự kiến sau khoảng 8-9 tháng trồng sẽ thu hoạch rễ, năng suất khoảng 400kg khô/1.000m2. Với giá 60.000-70.000 đồng/kg khô, sẽ mang lại doanh thu cho gia đình anh khoảng 170 - 195 triệu đồng/7 sào. Theo anh Nam, cây huyền sâm dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh hại nhưng phải trồng chăm sóc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật.

Nhìn chung, cây huyền sâm phát triển tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu ở đây. Nông hộ hạn chế sử dụng thuốc BVTV để đảm bảo chất lượng dược liệu, nên an toàn với người sản xuất, bảo vệ môi trường. Mô hình sẽ là điểm để người dân trong vùng học tập nhân rộng. Trồng dược liệu là một hướng đi mới, nhanh cho thu hoạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên do dược liệu có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt và nơi thu mua hạn chế chỉ là các đơn vị kinh doanh dược liệu, nên người dân cần phải cân nhắc trước khi trồng và cần trồng đúng kỹ thuật. Nếu có hợp đồng bao tiêu sản phẩm là điều kiện tốt cho nông hộ trong quá trình canh tác.

Lâm Đồng có tiềm năng phát triển dược liệu, rất cần sự tham gia của các ban ngành, sự mạnh dạn của những người như anh Nam để phát huy lợi thế của địa phương về sản xuất dược liệu của tỉnh nhà.

Nguyễn Văn Diện – TTKN Lâm Đồng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Tất Dương - Giám đốc Trung tâm

Top