Liên kết website
Thống kê truy cập








![]() | Hôm nay | 844 |
![]() | Hôm qua | 2918 |
![]() | Tháng này | 3762 |
![]() | Tổng cộng | 4028112 |
Đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Đam Rông
Hiện nay, ngành nông nghiệp của huyện Đam Rông có sự chuyển đổi rõ ràng, phát triển tương đối toàn diện về quy mô, chất lượng; Cơ cấu cây trồng dịch chuyển theo đúng định hướng, đi vào khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tiểu vùng sinh thái; Bước đầu thành lập và phát triển sản xuất theo hướng của nông nghiệp cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, có một số sản phẩm được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao.
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay huyện Đam Rông đã được phát triển 19 Hợp tác xã, 8 tổ hợp tác và 13 trang trại; Phát triển được 09 chuỗi liên kết, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và các tổ chức nông dân, người sản xuất, với tổng số liên kết khoảng 150 hộ. Trong đó, có 06 sản phẩm nông nghiệp được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng công nhận 3 sao và 4 sao bao gồm: Chuối Laba, cà phê rang xay, mắc ca, trà dây rừng, sầu riêng Dạ Rsal và dứa Rô Men. Hiện địa phương đang tiếp tục rà soát nhằm công nhận một số sản phẩm tiềm năng như: Cá tầm, nhang trầm ...
Trong đó, chuối Laba là một điển hình sản phẩm không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn ở một số thị trường nước ngoài. Tháng 10 năm 2018, HTX Laba Banana Đạ K'Nàng thành lập, đến nay có hơn 70 nông hộ liên kết trên diện tích 255 ha, trải rộng từ các xã Đạ K'Nàng, Phi Liêng (huyện Đam Rông) đến các xã Phú Sơn, Tân Hà (huyện Lâm Hà). Năm 2022, vùng nguyên liệu chuối Laba của HTX Laba Banana Đạ K'Nàng dự kiến bước vào thời kỳ thu hoạch khoảng 255 ha, năng suất trung bình 80 - 100 tấn / ha, lợi nhuận ổn định cho người dân liên kết từ 300 triệu đồng / ha / năm. Theo anh Nguyễn Huy Phương - Giám đốc HTX cho biết: Hiện, 100% diện tích của các hộ liên kết với HTX đều thực hiện theo quy trình GlobalGAP. Đối tác Nhật Bản đầu tư 2 tỷ đồng gắn chip kết nối với điện thoại thông minh để theo dõi, điều khiển quy trình canh tác, đảm bảo sản lượng và chất lượng chuối xuất khẩu.
Cùng với thị trường Nhật Bản, chuối Laba cũng chinh phục thành công thị trường Trung Quốc và Trung Đông. Đặc biệt, đầu quý III / 2021, HTX Laba Banana Đạ K'Nàng đã được xuất bán sang thị trường Mỹ với sản lượng 20 tấn quả.
Đặc biệt, mới đây Trung tâm Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp châu Á, thuộc Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á Việt Nam vừa quyết định xét chọn Hợp tác xã Laba Banana Đạ K’Nàng thuộc Top 50 Thương hiệu mạnh Asean lần thứ 6 năm 2022. Sản phẩm chuối Laba cũng được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận thương hiệu đặc sản của tỉnh Lâm Đồng, hiện đang tiêu thụ ổn định trên thị trường trong nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, ven biển miền Trung; đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước khu vực Trung Đông.
Đối với sản phẩm trà dây rừng Đam Rông, từ đầu năm 2012, sản phẩm này mang nhãn hiệu Chè dây Cao Nguyên được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Chứng nhận “Phù hợp với quy định về chất lượng lượng, sinh bảo vệ, an toàn thực phẩm và được phép lưu hành… ”. Tuy chỉ bước đầu làm quen với trường cạnh tranh, nhưng Chè dây Cao Nguyên nhanh chóng được người dùng đánh giá khá cao. Điển hình với những danh hiệu tôn vinh nhãn hiệu Chè dây Cao Nguyên bao gồm: Huy chương Vàng và Danh hiệu thực phẩm chất lượng an toàn vì sức mạnh cộng đồng (Hội chợ triển lãm tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 8/2013); Biểu tượng thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2013 (Ban Tổ chức Chương trình khảo sát thương hiệu hàng đầu Việt Nam cấp tháng 10/2013).
Dây chuyền chế biến nhãn hiệu Chè dây Cao Nguyên của anh Hoàng Duy Thành hiện đang khép kín với thiết bị máy băm, máy đóng gói, lò sấy… mỗi tháng chế biến hàng trăm tấn nguyên liệu tươi. Vùng nguyên liệu chè dây phục vụ chế biến tại chỗ - ngoài 20ha của doanh nghiệp anh Thành, còn có nhiều diện tích đang xây dựng liên kết sản xuất với các hộ gia đình đồng bào thiểu số ở Liêng Srônh, mở ra những triển vọng mới về thu nhập, việc làm cho lao động nông thôn ở địa phương.
Những năm gần đây, huyện Đam Rông luôn xác định chương trình mỗi xã một sản phẩm là một trong những nội dung trọng tâm trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện nhằm mở rộng diện tích để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, qua đó tạo cơ sở cho việc phát triển sản phẩm, hướng đến chứng nhận OCOP. Trong đó, phấn đấu mỗi xã có ít nhất một sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đó, huyện Đam Rông sẽ chọn các sản phẩm nổi bật, có lợi thế để ưu tiên đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, tích cực vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề tập trung phát triển sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, hiệu quả, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm có lợi ích của địa phương. Và hơn thế nữa, nâng cao chất lượng, mã hóa cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ khi các sản phẩm được xếp hạng theo tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm OCOP của chương trình sẽ góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Lê Tuấn - Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đam Rông