Liên kết website

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

05062179
Hôm nayHôm nay3564
Hôm quaHôm qua6025
Tháng nàyTháng này60001
Tổng cộngTổng cộng5062179

Hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã ký kết hợp tác với nhiều tổ chức nước ngoài, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là một hướng đi trọng tâm và đúng đắn. Nhưng tại Đà Lạt, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đông Flanders, Vương quốc Bỉ, mô hình sản xuất cà chua từ năm 2015 đến nay vẫn còn bỏ ngỏ câu trả lời về tính hiệu quả của suất đầu tư.  

Ứng dụng công nghệ cao là phù hợp

Theo ông Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (TT NCKT-R&H) cho biết: Việt Nam hiện có khoảng 25 ngàn ha trồng cà chua, năng suất từ 30 - 40 tấn/ha. Ở Lâm Đồng, có 7 ngàn ha nhưng sản lượng chiếm hơn 50% của cả nước với năng suất đạt từ 65-70 tấn/ha (đối với canh tác ngoài đồng). Điều này cho thấy, việc phát triển cây cà chua ở Lâm Đồng là phù hợp với nhiều điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng cũng như kinh nghiệm canh tác của người nông dân. Và, chủ trương nghiên cứu, đầu tư phát triển cây cà chua cùng một số cây nông nghiệp khác theo hướng ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) của tỉnh là hoàn toàn có cơ sở; nhất là khi thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp ƯDCNC của cả nước. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Thế Nhuận, hiện giá giống cà chua rất cao, các loại giống tốt chủ yếu nhập từ nước ngoài về, có loại cao tới 43 triệu đồng/kg. Trong khi đó, Vương quốc Bỉ là một quốc gia có thế mạnh về cây cà chua, năng suất rất cao nhờ canh tác ƯDCNC nên mỗi cây đạt từ 15-20 kg quả. Đây là những tiền đề để hình thành Dự án phát triển cây cà chua ở Lâm Đồng thông qua hợp tác giữa 2 địa phương Lâm Đồng và Đông Flanders từ năm 2015 đến nay và giao cho TT NCKT-R&H chịu trách nhiệm chính.

Chưa thể định lượng được về hiệu quả

Đầu tháng 3/2016, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ Đông Flanders, Đại học Đà Lạt, TT NCKT-R&H, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng phối hợp tổ chức báo cáo và thực địa về cây cà chua liên quan đến Dự án cà chua triển khai tại Đà Lạt. ThS Cao Đình Dũng - cán bộ kỹ thuật của TT NCKT-R&H trực tiếp triển khai Dự án cho biết: Mô hình ứng dụng sản xuất cà chua theo phương pháp của Bỉ bao gồm giá thể của Công ty Peltracom NV, nhà màng của Công ty Hyplast NV và 3 giống cà chua Triatlon, Octavio, Olivade của Công ty Raes NV. Mục tiêu Dự án đặt ra rất có ý nghĩa đối với người nông dân như: hướng dẫn trồng cà chua, cách bón phân theo phương pháp tiên tiến; canh tác trên giá thể; hạn chế bệnh hại… Thế nhưng theo ThS Cao Đình Dũng: Chưa thể đánh giá được tính hiệu quả bằng những định lượng cụ thể vì nhóm nghiên cứu không nắm được giá đầu tư như thế nào. Sau thời gian thí nghiệm, chỉ nhận biết ban đầu là vị cà chua giống Bỉ có độ ngọt hơn, cứng hơn; năng suất chưa khẳng định cao hơn nhiều nhưng khả năng kháng bệnh tốt hơn giống Việt Nam, nhất là các bệnh cà chua thường bị như mốc sương, phấn trắng… Nếu so sánh cà chua canh tác ở Đức Trọng, Đơn Dương, phương pháp bón phân của Bỉ có năng suất tăng hơn từ 20-60%... Tuy nhiên, tính theo suất đầu tư là chưa thể đong đếm được, bởi phía Bỉ chưa chính thức công bố về giá cả của màng phủ, giá thể hay giống…

Còn ThS Nguyễn Thị Làn – Trưởng Khoa Nông lâm, Trường Đại học Đà Lạt nhận xét rằng: Nếu có độ ngọt hơn cũng chưa thể nói được tính hiệu quả, mà muốn đánh giá hiệu quả của cà chua Bỉ từ giống, giá thể đến phương pháp canh tác… phải cần nhiều yếu tố trên nhiều bình diện.

Cần những chính sách phù hợp

Ngay tại mô hình thực nghiệm 3 giống cà chua của Bỉ, chúng tôi tiếp tục đặt vấn đề với chuyên gia cao cấp hợp tác quốc tế của tỉnh Đông Flandesr - ông Peter De Steur đánh giá hiệu quả của Dự án, ông cho hay: Trong khuôn khổ hợp tác giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Đông Flanders từ năm 2011 đến nay, năm 2015, hai bên triển khai thí điểm mô hình trồng cà chua Bỉ tại TT NCKT-R&H. Mặc dù ông Peter cho rằng, Dự án là cơ hội rất tốt cho nông dân Lâm Đồng tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến như giống, phân, các thiết bị…, nhưng rất khó đánh giá về tính hiệu quả vì Đà Lạt là địa bàn không phù hợp với trồng cà chua; các vùng khác như Đức Trọng, Đơn Dương… chưa thể nói sẽ ứng dụng như thế nào trong thời gian tới vì “vấn đề là Lâm Đồng có chấp nhận được giống của Bỉ hay không thì sau đó phía Bỉ mới hỗ trợ kỹ thuật canh tác. Trước mắt sẽ hỗ trợ phân bón, giá thể còn kỹ thuật hiện đại khác rất đắt, quan trọng là nông dân Lâm Đồng có chấp nhận được hay không, vì hợp tác là phải 2 bên cùng có lợi”. Vậy giá cả các thiết bị công nghệ và giống, phân bón… như thế nào, vẫn là câu hỏi của nhiều nhà nông chứng kiến tại mô hình thí nghiệm đặt ra đối với phía Bỉ và hiện vẫn chưa được trả lời (?).

Chung suy nghĩ với những nhà nông và cán bộ kỹ thuật có mặt, ông Đặng Bảo Vinh – Khuyến nông viên phường 12, Đà Lạt nói: Về mặt lý thuyết, chương trình tập huấn sản xuất cà chua rất bổ ích cho người trồng cà chua hoặc nông dân có ý định chuyển đổi sang trồng cây cà chua, họ sẽ không bỡ ngỡ về phương pháp canh tác, chọn giống tốt, phòng trừ bệnh… Màng nhà kính của Bỉ ngoài điều chế độ ẩm còn chống được bọ trĩ; bảng bẫy côn trùng cũng là phương pháp khoa học tiên tiến, nhưng bà con rất cần biết được giá họ bán như thế nào thì mới nên hay không nên đầu tư.

Vấn đề hợp tác sản xuất nông nghiệp nói chung và cây cà chua nói riêng đã đến lúc rất cần được đánh giá và định hướng cụ thể, xác định tính hiệu quả. Để từ đó có những chính sách hỗ trợ phù hợp từ phía Nhà nước thì bà con nông dân mới lượng được sức mình, còn doanh nghiệp mới mạnh dạn đưa ra chương trình kế hoạch đầu tư hữu hiệu.

 

Minh Đạo (nguồn: baolamdong.vn)

Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Văn Tuận - Giám đốc Trung tâm

Top