Liên kết website

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

05061481
Hôm nayHôm nay2866
Hôm quaHôm qua6025
Tháng nàyTháng này60001
Tổng cộngTổng cộng5061481

Thời gian qua, việc liên kết sản xuất là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, nhưng một thực tế hiện nay, việc liên kết sản xuất chưa chặt chẽ, khi có lợi thì hợp tác cùng phát triển. Thấy khó khăn, nhất là giá cả nông sản, đầu ra không ổn định, thì mạnh ai nấy đi.

Liên kết sản xuất là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng và đã góp phần lớn trong việc nâng cao sản lượng, chất lượng cũng như giá trị nông sản trong thời gian qua. Nhưng một thực tế hiện nay, việc liên kết sản xuất chưa chặt chẽ, khi có lợi thì hợp tác cùng phát triển. Thấy khó khăn, nhất là giá cả nông sản, đầu ra không ổn định, thì mạnh ai nấy đi, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân tham gia.
Gia đình ông Trần Minh Đức ở thôn Nghĩa Hiệp 2, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương đã liên kết với một đơn vị bao tiêu sản phẩm chuối laba suốt 5 năm qua. Với vườn chuối trên 5 sào, bình quân mỗi tháng thu 4 tấn trái, với giá bao tiêu tại vườn 6 nghìn đồng/kg. Điều đáng nói, là từ khi liên kết sản xuất trồng chuối laba đến nay, hai bên tuân thủ tốt hợp đồng, nên không lo đầu ra của nông sản. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả nông sản bấp bệnh, nhưng đầu ra của vườn chuối laba vẫn đảm bảo, giúp kinh tế gia đình ông Đức phát triển bền vững.
Ông Trần Minh Đức, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương cho biết: “Liên kết sản xuất đã giúp vườn chuối của gia đình không lo đầu ra, nên gia đình chăm sóc tốt, nên chất lượng, sản lượng chuối đảm bảo… Quan trọng là hai bên thực hiện tốt cam kết ban đầu…”
Không phải lúc nào liên kết sản xuất cũng suôn sẻ, gây nhiều khó khăn cho các bên, phần lớn thiệt hại về kinh tế thuộc về nông dân. Năm 2019, gia đình bà Kơ Đưng Ka Thu ở thôn Tu Poh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương được Hội Nông dân tỉnh cho vay vốn 40 triệu đồng, gia đình bà Ka Thu đối ứng thêm 60 triệu đồng để trồng nấm tú trân; đồng thời, liên kết với một đơn vị bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo đầu ra. Từ khi triển khai đến nay hơn 2 năm, cũng là chừng ấy thời gian, gia đình bà Ka Thu phải chịu cảnh nợ nần.
Bà Kơ Đưng Ka Thu, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương: “Gia đình thấy Nhà nước cho vay vốn, có đơn vị bao tiêu sản phẩm nên cũng tin tưởng nên đầu tư làm. Vừa làm xong nhà nấm, đơn vị bao tiêu bảo ứng 20 triệu tiền phôi nấm, nên tin và đưa cho họ cũng bị mất luôn… Do tiếc trại nấm mới làm ra, gia đình tự đi mua phôi nấm và bán trôi nổi ngoài thị trường, nợ nần chồng chất… sắp tới cũng phải phá trại nấm đi thôi”.
Cũng ở thôn Tu Poh, gia đình ông Kơ Đưng Ha Dương cũng rơi vào cảnh tương tự, nên buộc phải phá trại nấm trên 100m2. Ngoài nợ nguồn vốn vay của Hội Nông dân trên 47 triệu đồng cả gốc lẫn lãi, còn nợ trên 60 triệu đồng vay mượn khác. Được biết năm 2019, có 8 hộ dân ở xã Đạ Chais được Hội Nông dân tỉnh tạo điều kiện cho vay vốn ở 2 mức 35 triệu đồng và 40 triệu đồng/hộ, với tổng số tiền 300 triệu đồng để liên kết sản xuất với đơn vị bao tiêu sản phẩm trồng nấm tú trân. Với mục đích giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững, lợi đâu không thấy, giờ cả 8 hộ này đều rơi vào tình cảnh tương tự trên.
Ông Kơ Đưng Ha Dương, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương: “Giờ nợ nần không biết bấu víu vào đâu? Được bao nhiêu cà phê thì bán trả tiền cho Nhà nước; còn nợ vay ngoài chưa tính. Hơn 2 năm trời, gia đình rơi vào cảnh khốn đốn vì nợ nần. Trại nấm buộc phải phá đi…”
Còn gia đình ông Kră Jăn Ha Cu ở thôn 4, xã Đạ Sar liên kết với Công ty cổ phần dược Lâm Đồng – LADOPHAR bao tiêu lá Atiso. Với diện tích trên 5 sào, bình quân mỗi năm gia đình ông Ha Cu thu hoạch 4 lứa, mỗi lứa trên 10 tấn lá, bán với giá bao tiêu tại vườn 2.600 đồng/kg. Sau 2 năm liên kết tưởng chừng suôn sẻ, đời sống kinh tế gia đình ổn định phát triển; ai ngờ trong khoảng 8 tháng qua, Công ty dược này không thu mua, với nhiều lý do khác nhau, nên gia đình ông Ha Cu gặp rất nhiều khó khăn. Xã Đạ Sar hiện có 20 hộ dân liên kết sản xuất với Công ty dược LADOPHAR, trồng với tổng diện tích trên 4 ha Atiso.
Ông Kră Jăn Ha Cu, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương: “Công ty LADOPHAR không thu mua lá, gia đình bán được 1 ít ngoài thị trường, còn phần lớn là cắt bỏ đi, gây rất nhiều khó khăn đến đời sống kinh tế gia đình tôi”.
Ông Bon Neur Cil Đa Nim – Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương: “Việc Công ty dược LADOPHAR liên kết với các hộ dân trồng Atiso thiếu bền vững nên ảnh ưởng nhiều đến đời sống kinh tế của nông dân. Chúng tôi cũng mong muốn liên kết phải có cam kết rõ ràng, có trách nhiệm lẫn nhau… tiếp tục thu mua lá để bà con yên tâm đầu tư sản xuất”
Toàn tỉnh hiện có 3 liên hiệp HTX nông nghiệp, với 18 HTX thành viên đang phát huy tốt vai trò giới thiệu bao tiêu sản phẩm cho các thành viên tự sản xuất và tự ký kết hợp đồng. Có 335 HTX Nông nghiệp, trong đó có 245 HTX hoạt động hiệu quả với doanh thu và lợi nhuận cao. Trong 165 chuỗi giá trị thu hút sự tham gia liên kết của 101 doanh nghiệp, 60 HTX, 36 tổ hợp tác, cơ sở nhỏ lẻ và trên 16.600 nông hộ tham gia. Phần lớn nông dân đã liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 75 chuỗi liên kết đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm...
Ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Liên kết sản xuất nếu bị đứt gãy rất khó xử lý, vì chủ yếu cam kết bằng sự uy tin, không mang tính pháp lý… Chúng tôi cũng triển khai đến các đơn vị phải tăng cường tính ràng buộc lẫn nhau, đảm bảo độ tin cậy, để các chuỗi liên kết mang tính bền vững….”
Trước thực trạng các chuỗi liên kết sản xuất “Lợi thì hợp, khó thì tan”, các sở, ngành liên quan cần có giải pháp phù hợp, khoa học, mang tính pháp lý, ràng buộc lẫn nhau, để liên kết sản xuất được bền vững trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm. Có như vậy, các bên tham gia liên kết sản xuất mới yên tâm hợp tác lâu dài, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững./.
 
Thế Hạnh (Nguồn: lamdongtv.vn)
Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Văn Tuận - Giám đốc Trung tâm

Top