Liên kết website

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

05163863
Hôm nayHôm nay1674
Hôm quaHôm qua3935
Tháng nàyTháng này60001
Tổng cộngTổng cộng5163863
Tân Lâm (huyện Di Linh) là xã vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao (38%). Địa phương có khoảng 2.669 ha đất sản xuất nông nghiệp phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày và cây ngắn ngày, cây lương thực. Đây được xem là lợi thế để Tân Lâm thực hiện phương châm phát triển sản xuất theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đa dạng hóa cây trồng đã giúp Nhân dân xã Tân Lâm nâng cao thu nhập. (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
Đa dạng hóa cây trồng đã giúp Nhân dân xã Tân Lâm nâng cao thu nhập. (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Lâm đã tích cực lãnh đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả cao. Ngoài việc thực hiện tốt công tác tái canh, cải tạo giống cà phê già cỗi kém năng suất sang trồng giống cho năng suất cao, địa phương đã chú trọng phát triển nhiều mô hình trồng xen, thực hiện đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Từ đó, Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích cà phê già cỗi sang trồng xen một số cây có giá trị kinh tế cao như: cây giổi, cây bơ, sầu riêng, mắc ca; đồng thời, các nông hộ đã trồng thêm trên 165 ha các loại cây dâu tằm, chè, hồ tiêu, mít Thái, chanh dây. Ngoài các loại cây trồng trên, người dân còn duy trì phát triển chăn nuôi với 612 con heo, bò, dê; 420 con thỏ và trên 91 ngàn con gia cầm các loại.
Gia đình ông Trần Văn Thắng ở thôn 9 có 7 ha đất canh tác cà phê và mỗi năm thu khoảng 25 tấn cà phê nhân. Tuy nhiên, do nhiều năm nay giá cả thị trường cà phê không ổn định, chi phí đầu tư cao… lợi nhuận thu về thấp, nên năm 2018, gia đình ông Trần Văn Thắng đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh sang trồng trên 1 ha cây dâu tằm, 1 ha cây chuối Laba tương đương 3.000 gốc, mít Thái 3.000 cây và hàng trăm cây bơ giống 034. Theo lời ông Thắng thì việc đa dạng hóa cây trồng có lợi thế về nhiều mặt, tránh được tình trạng mất mùa, mất giá hoàn toàn do chỉ độc canh cây cà phê. Nhờ chịu khó đầu tư chăm sóc, nên ngoài nguồn thu từ cà phê, cây bơ, chuối Laba và mít Thái thì bình quân hàng tháng gia đình ông Thắng thu được 70 triệu đồng từ trồng dâu nuôi tằm. 
Tương tự, gia đình bà Đào Thị Thu ở thôn 7 hiện có 6,5 ha đất sản xuất cà phê và 1 ha dâu tằm. Do giá cả cà phê bấp bênh, nên những năm qua, gia đình bà Thu đã trồng xen sầu riêng, bơ và cây mắc ca. “Khi các loại cây trồng này phát triển và cho thu nhập ổn định, gia đình tôi chỉ giữ lại 1 ha cà phê và 1 ha cây dâu tằm, số diện tích còn lại khoảng 4 ha chuyển sang chuyên canh cây ăn trái nên đã góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích” - bà Đào Thị Thu chia sẻ.
Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, bà con đã tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Nhân dân trong xã đã hiến đất, đóng góp trên 330 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động cùng nguồn vốn đối ứng của Nhà nước trên 4,1 tỷ đồng để đầu tư nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 
Đến nay, cơ sở hạ tầng của xã đã được đầu tư khá đồng bộ với hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn khang trang. Ngoài các tuyến Quốc lộ 28, tỉnh lộ, xã đã có đường liên xã, liên thôn, liên xóm được nhựa hóa và bê tông hóa sạch đẹp. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ngày càng thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia. Ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa và dân tộc Mường từng bước được nâng cao. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi. Công tác chăm sóc sức khỏe, dân số, kế hoạch hóa gia đình và trẻ em được thực hiện có hiệu quả. Tình hình chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Chia sẻ về vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, ông Đỗ Toàn Lăng - Chủ tịch UBND xã Tân Lâm khẳng định: Phương châm đa dạng hóa cây trồng phải gắn liền với chuyển đổi giống, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phòng trừ sâu bệnh hại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, năng suất cà phê của toàn xã bình quân đạt 30 tạ/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm còn 3% và thu ngân sách Nhà nước vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
NDong BRừm (Nguồn: baolamdong.vn)
Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Tất Dương - Giám đốc Trung tâm

Top