Liên kết website

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

05062008
Hôm nayHôm nay3393
Hôm quaHôm qua6025
Tháng nàyTháng này60001
Tổng cộngTổng cộng5062008

Trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ người dân ở các huyện, thành phố thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt và đạt hiệu quả cao. Các thành tựu này góp phần thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển nền nông nghiệp sạch, nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển bền vững.

Nuôi thiên địch

Tại thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), gia đình ông Nguyễn Phong Phú được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng (TTKN) hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi thiên địch trên vườn ớt chuông rộng 4.500m2. Theo ông Phú, gia đình mới tổ chức chăn nuôi, sản xuất theo mô hình hữu cơ. Khi đang lay hoay tìm giải pháp phòng ngừa côn trùng gây hại trên cây trồng thì nhận được sự tư vấn, hỗ trợ của TTKN. Lúc bấy giờ, cán bộ kỹ thuật của TTKN đến vườn khảo sát mô hình và phối hợp thực hiện mô hình nuôi thiên địch. Xác định đối tượng gây hại chính trên ớt chuông chủ yếu là nhện đỏ, bọ phấn trắng, bọ trĩ, côn trùng gây hại bộ rễ nên TTKN đã cùng với ông Phú thả các loại côn trùng như nhện Ambly, nhện Phyto… lên cây để làm thiên địch. Nhóm nhện thiên địch này được phát triển bởi Công ty Đà Lạt Hasfarm.

Những loại côn trùng thiên địch trên đều có kích thước nhỏ, khó nhìn thấy bằng mắt thường. Khi thả lên cây, chúng tự sinh sôi, nảy nở và bắt các côn trùng gây hại làm thức ăn. Chủ vườn cho hay, trên cây ớt chuông, nhện đỏ là một trong những côn trùng nguy hiểm nhất. Chúng bám dưới lá cây và hút nhựa khiến cây bị teo tóp, chậm phát triển. Trước đây, các nhà vườn từng dùng thuốc bảo vệ thực vật để trị nhưng rất khó. Trường hợp diệt hoàn toàn thì phải mất khá nhiều thời gian lẫn tiền bạc.

Các loại côn trùng như nhện đỏ, bọ phấn… có kích thước rất nhỏ nên người làm vườn khó phát hiện. Nếu không “thăm khám” thường xuyên, chỉ đến khi cây, lá bị héo úa mới có thể biết. Trong khi đó, việc thả các loại côn trùng thiên địch lên cây ngay từ đầu sẽ đảm bảo an toàn cho cây trồng. Khi thiên địch phát hiện côn trùng gây hại, chúng sẽ săn bắt, tiêu diệt hoàn toàn. Trong trường hợp vườn kiệt 100% côn trùng gây hại, các loại thiên địch sẽ ăn phấn hoa hoặc có thể hút nhựa cây nhưng việc này là không đáng kể.

Hiện nay, cứ khoảng 2 tháng, gia đình ông Nguyễn Phong Phú lại thả thiên địch 1 lần. Với chu kỳ sinh trưởng 9 tháng của cây ớt chuông, gia đình ông thả thiên địch 4 lần với chi phí 10 triệu đồng/lần/1.000m2. So với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gia đình ông tiết kiệm được 50% chi phí trong khi hiệu quả cao hơn nhiều lần. “Việc nuôi thiên địch bảo vệ cây trồng cho hiệu quả cao và nguồn nông sản luôn đạt tiêu chuẩn sạch. Đây cũng chính là cơ hội để tôi phát triển nguồn hàng hữu cơ, chất lượng cao”, ông Nguyễn Phong Phú thổ lộ và cho biết thêm, thiên địch được thả lên cây trồng và chúng tự tìm nguồn thức ăn, làm tổ và sinh trưởng đàn.

Bà Nguyễn Thị Thùy, Kỹ sư nông nghiệp của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, mô hình dùng nhện thiên địch trên vườn ớt chuông của gia đình ông Nguyễn Phong Phú cho hiệu quả cao. Côn trùng gây hại trên lá, hoa thậm chí cả rễ cây đều được khống chế đến 80%. Đây là mô hình phù hợp với xu hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ. Các loài côn trùng thiên địch phát triển rất tốt và khống chế được nhiều côn trùng gây hại khó phòng trừ như bọ trĩ, nhện đỏ, bọ phấn, các loại rệp và một số côn trùng ở dưới đất. Từ khi thả thiên địch trên, chủ vườn không phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Ghép cải tạo “trẻ hóa” mắc ca

Trong năm 2020, nhằm góp phần nâng cao chất lượng mắc ca, TTKN đã thực hiện các mô hình ghép cải tạo và đạt hiệu quả cao. Trong đó, điển hình như mô hình “trẻ hóa” mắc ca tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Lương, xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, Lâm Đồng).

Mô hình ghép cải tạo mắc ca được TTKN thực hiện tại huyện Di Linh cho hiệu quả cao

Ông Lương cho biết, ông trồng mắc ca từ những năm 2000 và trong số đó, nhiều gốc đã bước vào giai đoạn già cỗi, kém năng suất. Hơn nữa, 20 năm trước, khi hay tin mắc ca là giống cây trồng có giá trị kinh tế cao nên ông mua thử cây giống trôi nổi trên thị trường mang về trồng nên kém chất lượng. “Hồi ấy cây giống chủ yếu là thực sinh. Cây mắc ca còn xa lạ nên cứ thấy người ta bán giống là mua về trồng chứ không để ý và cũng ít thấy nơi nào cung cấp giống chất lượng cao như ngày nay. Do vậy, cây phát triển chậm và chất lượng trái không cao”, ông Lương nói và cho biết thêm vườn của gia đình hiện có 200 gốc mắc ca xen cà phê.

Trong năm 2020, được sự hỗ trợ của TTKN, gia đình ông Lương đã chọn 50 gốc già cỗi, kém hiệu quả để thực hiện ghép cải tạo. Những gốc này sau đó được cắt ngang ở cành lớn và dùng những thân mắc ca giống chất lượng cao để ghép. Nguồn vốn thực hiện được TTKN hỗ trợ 70%. Ngoài ra, TTKN cũng hỗ trợ nguồn giống, tư vấn kỹ thuật ghép, kỹ thuật chăm sóc cây. Đến nay, 50 gốc mắc ca ghép đều đã phát triển tốt, cành lá tua tủa. Đánh giá về độ sinh trưởng của cây, ông Lương cho hay, cây phát triển cành còn nhanh hơn cả những gốc vào độ tuổi trưởng thành. Với tốc độ như hiện nay, chỉ vào khoảng cuối năm 2022 là những gốc ghép sẽ cho thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Diện, cán bộ kỹ thuật, TTKN cho biết, mô hình ghép cải tạo mắc ca tại gia đình ông Nguyễn Văn Lương nói riêng, tại huyện Di Linh nói chung phát triển rất tốt, mở ra cơ hội cải thiện chất lượng nông sản này để xuất khẩu. Cũng theo ông Diện, về chất lượng nhân mắc ca, quy định chung về tỷ lệ thu nhân trên trọng lượng quả phải đạt ít nhất 36%. Tuy nhiên, nhiều vườn mắc ca trồng thực sinh, cây kém nên tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 20 - 25%. Chính điều này dẫn đến việc mắc ca của tỉnh khó có cơ hội ra với thị trường quốc tế.

“Hiện nay, TTKN đánh giá được một số giống như 816, 849, QN1 có năng suất, chất lượng cao nên kết hợp với Công ty mắc ca Việt để tổ chức ghép cải tạo cho người dân ở huyện Di Linh. Chương trình đã ghép cải tạo trên 550 cây ở hàng chục hộ dân 6 xã của huyện này và đều đạt hiệu quả cao”, ông Diện chia sẻ.

Cá leo nuôi ao đất cho giá trị kinh tế cao

Cá leo hay còn gọi là cá nheo có tên khoa học là Wallago attu thuộc loại cá da trơn, sống ở sông, kênh rạch và đồng ruộng. Cá leo có phạm vi phân bố khá rộng từ phía Nam đến phía Đông Nam châu Á. Cá có kích thước lớn, giàu giá trị dinh dưỡng, chất lượng thịt thơm ngon, rất được thị trường ưa chuộng. Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, sau 8 tháng nuôi đạt kích cỡ 1 - 1,2 kg.

Với mục đích đưa thêm đối tượng nuôi mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường về sản phẩm thủy sản ngon, chất lượng cao, năm 2020, TTKN tổ chức triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá leo thương phẩm trong ao đất” tại TP. Bảo Lộc. Tại đây, TTKN đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc chọn 2 hộ tham gia gồm gia đình bà Phạm Thị Mỹ Hạnh ở thôn 6 (xã Đam B’ri) và gia đình ông Trần Hữu Tự ở thôn Tân Hóa 2 (xã Lộc Nga). Hai gia đình tham gia mô hình với tổng diện tích 2.000m2.

Sau 10 tháng thực hiện, mỗi mô hình ao nuôi 1.000m2 cho lợi nhuận trên 154 triệu đồng

Trong quá trình thực hiện, các hộ quản lý tốt các chỉ tiêu như pH, màu nước và duy trì độ sâu ao nuôi ổn định. Việc cho cá ăn đảm bảo đủ lượng, đủ chất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và phát triển của cá. Mô hình sau 8 tháng triển khai tỷ lệ sống đạt 91%, số lượng thức ăn tiêu tốn là 8.000kg, trọng lượng bình quân đạt 1kg/con. Sau thời gian nuôi khoảng 10 tháng, tỷ lệ sống của mô hình đạt 85%, trọng lượng bình quân của cá đạt 1,5 kg/con, năng suất mô hình sau 10 tháng nuôi khoảng 5,1 tấn. Về hiệu quả kinh tế, tổng lợi nhuận đạt được của 2 mô hình là 308 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, mỗi gia đình đạt lợi nhuận khoảng 154 triệu đồng.

Từ kết quả trên, có thể khẳng định, trên cùng đơn vị diện tích, mô hình nuôi cá leo thương phẩm trong ao đất cho giá trị cao hơn nhiều lần so với các đối tượng truyền thống như cá rô phi, cá trắm cỏ, cá chép... Hiện nay, với điều kiện và nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh trong việc tìm nuôi các đối tượng mới có giá trị, thì việc nhân rộng mô hình cá leo là rất cần thiết.

Minh Hậu - Báo Nông nghiệp

Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Văn Tuận - Giám đốc Trung tâm

Top