Liên kết website

 

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

04446666
Hôm nayHôm nay2727
Hôm quaHôm qua7083
Tháng nàyTháng này60001
Tổng cộngTổng cộng4446666

Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nhiều loài cây dược liệu có giá trị, khí hậu được chia thành 3 vùng (dưới 500 m; 500 - 1.000 m và trên 1.000 m so với mực nước biển), mỗi vùng phù hợp cho phát triển một số loài khác nhau, tạo nên sự phong phú, đa dạng sản phẩm dược liệu của tỉnh. Đây là tiềm năng chính để phát triển nhiều loại dược liệu quý hiếm, đặc biệt là trên đất lâm nghiệp, trồng xen dưới tán rừng.

Với sự đa dạng về hệ sinh thái rừng nên nguồn dược liệu của tỉnh Lâm Đồng phong phú hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Hiện tại tỉnh Lâm Đồng có 3.526 loài thực vật, trong đó 1.055 loài có giá trị về dược liệu được phân bố ở nhiều địa phương trong tỉnh với 55 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, hoàng liên ô rô, sâm Ngọc linh...; 16 loài là những cây thuốc đặc trưng của tỉnh như atiso, lan gấm, linh chi, các loại sâm như: đẳng sâm, sâm cau, sâm Langbiang….; có 20 loài là những cây thuốc có trữ lượng lớn như atiso, bình vôi, hà thủ ô…; có 23 loài là những cây thuốc di thực đã được trồng như bạch truật, canh kina đỏ, cỏ ngọt, địa hoàng, đỗ trọng, dương cam cúc, đương quy, ngưu tất, đẳng sâm, xuyên khung.

Sản xuất cây dược liệu ở Lâm Đồng có nhiều lợi thế so với các tỉnh khác do có đặc điểm về địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn đa dạng, đặc biệt tạo nên nguồn tài nguyên về hệ thực vật phong phú; trong đó có nhiều loại cây dược liệu. Hiện trạng sản xuất trong những năm gần đây đã khẳng định cây dược liệu là một trong những cây trồng thế mạnh của ngành nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 375,2 ha dược liệu trồng trên đất nông nghiệp, trong đó có 302,7 ha trồng thuần; 72,5 ha trồng xen. Giá trị sản xuất dược liệu đạt 226,96 tỷ đồng, chiếm 0,6% tỷ trọng sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Diện tích trồng dược liệu năm 2015 là 150 ha tăng lên 766,9 ha năm 2022 với nhiều loại có giá trị cao như lan gấm, linh chi, đông trùng hạ thảo… Người nông dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và Lâm Đồng là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển sản xuất, nuôi trồng các loại dược liệu quý hiếm bằng công nghệ nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, điển hình là sản phẩm Đông trùng hạ thảo và đang phát triển sang nhiều loại sản phẩm dược liệu quý khác.

Cây dược liệu tại tỉnh Lâm Đồng được trồng trên nhiều loại đất khác nhau, cho năng suất, chất lượng cao; bước đầu đã xây dựng được vùng nguyên liệu và thương hiệu vùng trồng. Tuy nhiên nguồn giống phục vụ sản xuất dược liệu trên địa bàn còn hạn chế; phần lớn các loại dược liệu chủ lực phải thực hiện nhập khẩu giống; đồng thời chưa có cơ sở sản xuất giống dược liệu tập trung, được công nhận; chất lượng giống chưa được kiểm soát. Tổ chức quản lý về khai thác, bảo tồn các dược liệu tự nhiên còn nhiều bất cập; khai thác dược liệu thiếu khoa học, chưa đi đôi với bảo tồn, cùng với tình trạng phá rừng làm nương rẫy dẫn đến tình trạng nguồn cây dược liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Giá dược liệu không phụ thuộc vào chất lượng hay loại dược liệu mà phụ thuộc vào nguồn dược liệu nhiều hay hiếm. Việc thu hái dược liệu không tuân thủ theo mùa vụ, tuổi cây và bộ phận dùng của dược liệu; tập quán thu hái dược liệu chỉ quan tâm đến khối lượng, thị hiếu dân gian, chưa quan tâm đến chất lượng và hiệu quả kinh tế của chính dược liệu.

Để sản phẩm cây dược liệu có thể phát triển trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp: Nâng cao năng lực sản xuất giống để giảm dần tỷ trọng nhập khẩu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sản lượng thu hoạch, phát triển sản phẩm mới từ nguồn dược liệu của tỉnh, từ đó kết nối với các vùng trồng dược liệu để hình thành các chuỗi dược liệu giá trị cao, khép kín từ sản xuất đến chế biến thành phẩm, xây dựng nên các thương hiệu dược liệu đặc trưng của tỉnh, đáp ứng các tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao. Gắn việc quy hoạch phát triển các loài cây dược liệu với các quy hoạch phát triển rừng, giao khoán quản lý bảo vệ rừng để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát triển các loài dược liệu trong tự nhiên.

Trúc Quỳnh (t/h) - TTKN Lâm Đồng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Văn Tuận - Giám đốc Trung tâm

Top