Liên kết website

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

05162614
Hôm nayHôm nay425
Hôm quaHôm qua3935
Tháng nàyTháng này60001
Tổng cộngTổng cộng5162614

Lâm Đồng là một trong 05 tỉnh Tây Nguyên có điều kiện tự nhiên thích hợp cho việc sản xuất hồ tiêu và được trồng phổ biến ở 03 huyện phía Nam: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và một số ít diện tích tại huyện Bảo Lâm, Đam Rông… với các giống hồ tiêu chủ lực như: Vĩnh Linh, Phú Quốc, Sri Lanka, tiêu sẻ, tiêu lươn…

Hiện nay, phương pháp nhân giống được nông dân áp dụng phổ biến là cắt hom ươm bầu. Cây giống hồ tiêu chủ yếu nhập từ các tỉnh khác về bán; toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở sản xuất kinh doanh giống tiêu với số lượng 25.000 cây giống/năm, trong đó có 02 cơ sở tự sản xuất kinh doanh với số lượng 3.500 cây giống/năm. Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh không khuyến khích người dân phát triển diện tích, mà hướng dẫn tập trung áp dụng kỹ thuật thâm canh trên diện tích hồ tiêu hiện có nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển hồ tiêu hiệu quả và bền vững. Tính đến cuối năm 2020, diện tích hồ tiêu trên cả tỉnh đạt 2.008 ha (trong đó diện tích kinh doanh là 1.841 ha), tăng 237 ha so với năm 2016 và sản lượng đạt 6.133 tấn, tăng 4.003 tấn so với năm 2016.

Hồ tiêu được người dân trồng xen chủ yếu với diện tích cà phê, điều, cây ăn quả, các mô hình trồng xen hồ tiêu với cà phê mang lại hiệu quả kinh tế tăng khoảng 30-40% so với sản xuất cà phê trồng thuần. Gia đình ông Nguyễn Văn Chu ở thôn Tân Nghĩa, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, năm 2013 ông trồng xen hồ tiêu (giống Vĩnh Linh) trên 2 ha diện tích cà phê, đến nay vườn tiêu đã cho thu hoạch 8 tấn/ha trồng xen và cho lợi nhuận trên 350 triệu đồng/ha tiêu, ngoài ra ông còn thu hoạch trên 3 tấn cà phê/ha. Còn hộ ông Trần Văn Phát thôn Hiệp Thành II, xã Tam Bố, huyện Di Linh trồng xen 5 ha tiêu trong vườn cà phê lợi nhuận thu được trên 217 triệu đồng/ha tiêu… Có được kết quả như trên là do ngành Nông nghiệp của tỉnh đã chú trọng đầu tư vào sản xuất hồ tiêu nhằm chuyển đổi giống cây trồng, tăng năng suất, chất lượng cây trồng cho người nông dân và định hướng phát triển hồ tiêu của tỉnh Lâm Đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, sản xuất hồ tiêu của tỉnh Lâm Đồng còn gặp phải một số khó khăn: Diện tích hồ tiêu tăng nhanh ảnh hưởng bất lợi đến giá cả và hiệu quả sản xuất; bên cạnh đó việc phát triển diện tích thiếu bền vững, nông dân đầu tư thâm canh cao độ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mất cân đối,… là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh trên cây hồ tiêu (nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm) diễn ra phổ biến, mức độ ngày càng nặng, gây thiệt hại cho người trồng hồ tiêu. Nông dân sử dụng giống không rõ nguồn gốc, chưa được công bố tiêu chuẩn chất lượng giống, chưa có doanh nghiệp, Hợp tác xã cũng như tổ hợp tác đầu tư sản xuất với quy mô lớn. Thị trường và giá cả thu mua chưa ổn định, chưa tạo được chuỗi liên kết giữa sản xuất và thu mua sản phẩm với nông dân. Kỹ thuật trồng và chăm sóc còn chưa đảm bảo nhất là thời kỳ giá tiêu xuống thấp, người dân không chú trọng chăm sóc, dẫn đến dịch bệnh trên cây hồ tiêu. Trong tỉnh hiện chưa có cơ sở chế biến sản phẩm hồ tiêu phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Từ thực trạng trên, nhằm duy trì và ổn định diện tích sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh đề xuất một số giải pháp như sau:

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn giống hồ tiêu trước khi cung cấp cho người dân tại địa phương. Rà soát, đánh giá hiện trạng canh tác hồ tiêu (điều kiện đất đai, địa hình, nguồn nước tưới) để chuyển đổi một số diện tích kém hiệu quả, già cỗi, bị sâu bệnh gây hại nặng sang các cây trồng có giá trị kinh tế như cây ăn quả, dâu tằm hoặc cải tạo bằng các giống tiêu có chất lượng cao, thích hợp với từng địa phương.

Bổ sung hoàn thiện quy trình thâm canh cây hồ tiêu phù hợp với Lâm Đồng trên cơ sở quy trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành, kết hợp tập huấn tại hiện trường và hội thảo chuyển giao cho người sản xuất.

Hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc và quản lý dịch hại tổng hợp trên cây hồ tiêu (nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm) như sử dụng giống sạch bệnh, trồng trụ sống để tiêu leo bám, chọn đất thoát nước tốt… tăng cường sử dụng biện pháp canh tác sinh học (bón phân hữu cơ cải tạo đất, bón đầy đủ và cân đối hữu cơ, vô cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng bệnh,...).

Xây dựng chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp thu mua, chế biến hồ tiêu trong và ngoài tỉnh với các nông hộ để hình thành nhóm hộ, tổ hợp tác, Hợp tác xã, câu lạc bộ trồng hồ tiêu… Đồng thời nâng cao năng lực quản trị của Hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại, sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, cung ứng vật tư đầu vào chất lượng và thu mua sản phẩm với giá cao, ổn định so với thị trường.

Nguyễn Thị Yến - TTKN Lâm Đồng (t/h)

Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Tất Dương - Giám đốc Trung tâm

Top