Liên kết website
Thống kê truy cập








![]() | Hôm nay | 920 |
![]() | Hôm qua | 4193 |
![]() | Tháng này | 60001 |
![]() | Tổng cộng | 3609299 |
Hướng tới phát triển ngành cà phê bền vững
Làm thế nào để phát triển bền vững chuỗi giá trị cho ngành hàng cà phê Việt là câu hỏi rất nhiều bên liên quan đặt ra trong hội thảo Tăng cường năng lực thể chế cho phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cà phê do Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đồng tổ chức tại Đà Lạt.
Lâm Đồng, với diện tích canh tác 125,600 ha trồng các loại cà phê vối, cà phê chè, năng suất bình quân 2,8 tấn/ha, sản lượng toàn tỉnh 408 ngàn tấn cà phê. Với sản lượng đó, cà phê trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, đồng thời thu hút với 73% hộ dân nông thôn tham gia ngành hàng cà phê. Mỗi ha cà phê đạt giá trị kinh tế 95 - 100 triệu đồng/năm. Thực hiện Chương trình tái canh cà phê, giai đoạn 2013 - 2016 đã ghép cải tạo mới, tái canh 37 ngàn ha cà phê. Cùng với việc 44 ngàn ha sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, năng suất được cải thiện rõ ràng, chất lượng hạt cà phê cũng tăng đáng kể.
Tuy nhiên, cà phê Lâm Đồng vẫn còn nhiều diện tích cà phê già cỗi, chưa chủ động nước tưới 74% diện tích, khả năng ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất cà phê còn thấp, tỷ lệ hái xanh và tổn thất sau thu hoạch còn cao ảnh hưởng xấu tới năng suất, chất lượng hạt cà phê Lâm Đồng. Và, đây cũng là vấn đề chung của tất cả mọi vùng cà phê Việt, từ Đắk Lắk tới Đắk Nông hay vùng núi phía Bắc. Để cải thiện chất lượng hạt cà phê, việc thúc đẩy sự phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cà phê là điều vô cùng cần thiết. Chuỗi ngành hàng cà phê bao gồm người trồng, thu gom sơ chế và cơ sở doanh nghiệp chế biến cà phê. Bên cạnh đó gồm các tác nhân hỗ trợ như đầu vào vật tư nông nghiệp, dịch vụ khoa học công nghệ, thông tin thị trường, tín dụng, cơ quan quản lý nhà nước… Làm sao để nguyên hệ thống vận hành tốt, đạt hiệu quả cao khiến cho ngành hàng cà phê phát triển bền vững sẽ là nền tảng giúp tăng giá trị cho cây cà phê Việt.
Hiện tại, Lâm Đồng đang có một số dự án hỗ trợ người sản xuất cà phê, cụ thể là Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam VnSAT và dự án ACOM. Hai dự án trên đều hướng tới hỗ trợ người nông dân sản xuất cà phê bền vững, tăng năng suất, chất lượng song song với sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm. Đặc biệt, dự án VnSAT có mục tiêu giúp nông dân trồng cà phê thuộc 8 huyện, 35 xã trong vùng dự án thay đổi tư duy làm cà phê, được tiếp cận nguồn tín dụng dài hạn để cải thiện vườn cà phê, đồng thời hỗ trợ các nhóm hộ nông dân nâng cao cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và chế biến cà phê. Những hoạt động của VnSAT, ACOM đang góp phần giúp nhiều người trồng cà phê tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi, với phương pháp làm cà phê theo hướng bền vững, đảm bảo việc phát triển kinh tế đi kèm với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, người trồng cà phê Lâm Đồng cũng xác định, việc thay đổi sẽ là quá trình lâu dài, không phải ngày một ngày hai sẽ hoàn thành và sẽ cần nhiều sự hỗ trợ, thay đổi từ tất cả các bên liên quan để hạt cà phê cao nguyên đạt giá trị như nó đáng được hưởng.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT
Nghề cà phê của Việt Nam yếu nhất theo tôi là ở khâu chế biến. Hầu hết cà phê của chúng ta vẫn xuất thô, xuất nguyên hạt dù chất lượng hạt cao hay thấp. Điều này khiến giá trị hạt cà phê giảm nhiều lần so với việc chúng ta có thể chế biến được sản phẩm cà phê. Nhìn ở tầm vĩ mô, cả nước chưa có một cơ sở chế biến đạt tầm quốc tế nào để có thể xuất khẩu cà phê tinh dưới thương hiệu Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi hội trưởng Chi hội sản xuất cà phê bền vững Lâm Hà, Lâm Đồng
Trồng cà phê bền vững nhưng đầu ra chưa đảm bảo, đó là vấn đề nông dân đang gặp phải. Chi hội sản xuất cà phê bền vững Lâm Hà có 82 hội viên, sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn an toàn như 4C, UTZ, Rainforest nhưng giá bán cũng ngang các loại cà phê khác, không có khác biệt. Vì vậy, nông dân cũng nản, ít muốn tham gia, bởi làm cà phê theo tiêu chuẩn tốn nhiều công sức hơn làm cà phê bình thường. Chúng tôi mong muốn một cơ chế để cà phê sạch xứng đáng với giá trị thật.
Ông Cao Thanh Sơn - Phó Giám đốc Dự án VnSAT
Nông dân trồng cà phê hãy chủ động thành lập thành một tập thể, thành nhóm như HTX, tổ hợp tác. Ở Lâm Đồng, chúng tôi đã và đang tiến hành hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác trồng cà phê và sẵn sàng hỗ trợ nông dân cải thiện chất lượng vườn cà phê gia đình. Bà con có thể chủ động tìm tới UBND các xã vùng cà phê hoặc liên lạc trực tiếp với dự án để được hỗ trợ.
|
Diệp Quỳnh (Nguồn: baolamdong.vn)