Liên kết website

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

05169771
Hôm nayHôm nay2966
Hôm quaHôm qua4616
Tháng nàyTháng này60001
Tổng cộngTổng cộng5169771

Cá chạch bùn (tên khoa học: Misgurnus anguillicaudatus) có thịt thơm ngon, xương mềm nên thị trường nội địa tiêu thụ rất mạnh. Cá chạch bùn còn được gọi là cá chạch sụn vì khi cá đạt trọng lượng 30-40 con/kg thì toàn bộ xương cá (kể cả xương đầu và xương sống) được chuyển hóa thành sụn nên được nhiều người ưa chuộng, có thể sử dụng làm thực phẩm cho cả người già và trẻ nhỏ.

 

Cá chạch bùn có nguồn gốc từ Đài Loan được đưa về Việt Nam nhân giống, những năm qua được nuôi chủ yếu ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Nhiều bà con nông dân đang đầu tư sản xuất con giống và nuôi cá thịt thương phẩm hướng tới xuất khẩu.

 

 

Nhằm nghiên cứu, đưa loài thủy sản mới vào nuôi thử nghiệm trên địa bàn huyện Đạ Huoai. Qua đó, đánh giá tính thích nghi, hiệu quả kinh tế để khuyến cáo nông dân nuôi trồng, phát triển kinh tế. Năm 2014, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai triển khai mô hình thử nghiệm nuôi cá chạch bùn thương phẩm tại huyện Đạ Huoai từ nguồn vốn Khoa học - Công nghệ của huyện. Mô hình được triển khai tại 2 hộ của thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai (hộ ông Vũ Đức Biệc, tổ dân phố 2 và hộ ông Trần Minh Ngọc, tổ dân phố 10) với quy mô 200 m2/hộ. Số lượng con giống thả nuôi 9.000 con/điểm/200m2. Kích cỡ con giống thả nuôi khoảng 2 g/con. Sử dụng thức ăn công nghiệp của cá chạch bùn có hàm lượng đạm từ 30-35%.

Sau 3,5 tháng nuôi (từ tháng 8-11/2014), cá đạt trọng lượng trung bình 35 gram/con (28-30 con/kg) tương ứng tốc độ tăng trọng 9,14 gram/con/tháng. Tỷ lệ nuôi sống đạt 89% (lượng cá giống thất thoát không phải do bị bệnh mà chủ yếu là do vận chuyển đường xa cá bị chết và bị chim, cò ăn trong quá trình nuôi). Sản lượng cá thu hoạch đạt 280 kg/200m2, giá bán sỉ 145.000 đồng/kg, doanh thu 40,6 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí 24,93 triệu đồng gồm mua giống, thức ăn công nghiệp, thuốc thú y thủy sản..., nông dân thu lãi 15,67 triệu đồng/200m2/3,5 tháng nuôi (chưa trừ chi phí công lao động).

Qua quá trình theo dõi, cá chạch bùn có nhiều ưu điểm như: Tăng trọng nhanh, chu kỳ nuôi ngắn (3-4 tháng/lứa), sức đề kháng cao, không xuất hiện bệnh tật, thịt cá thơm, ngon, bổ dưỡng, giá bán cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi (tư thương đặt hàng mua số lượng lớn)... nên hiệu quả kinh tế cao. Ngày 22/11/2014, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai tổ chức mời nông dân tham dự hội thảo, trực tiếp nghe nông hộ thực hiện mô hình báo cáo hiệu quả kinh tế của việc nuôi cá chạch bùn. Đến nay, ngoài 2 hộ thực hiện mô hình tiếp tục nuôi chu kỳ mới thì đã có thêm 2 hộ chủ động đầu tư, nhân rộng mô hình. Hiện nay cá đang sinh trưởng, phát triển rất tốt, tỷ lệ sống cao, tăng trọng nhanh.

Nhằm giúp nhiều hộ dân nắm bắt kỹ thuật, nhân rộng mô hình nuôi cá chạch bùn thương phẩm để phát triển kinh tế, Trung tâm Nông nghiệp Đạ Huoai giới thiệu kỹ thuật nuôi cá chạch bùn thương phẩm như sau:

1. Chuẩn bị ao nuôi

Vị trí ao nuôi tốt nhất là gần nguồn cung cấp nước. Nước có thể ra vào thường xuyên, điều kiện thay nước dễ dàng. Chất lượng nước đảm bảo không bị ô nhiễm. Nên chọn ao ở những nơi đất có thành phần cơ giới nặng như đất sét, thịt pha sét.

Vị trí ao ở nơi thoáng mát, nhiều ánh nắng. Bờ ao và mái bờ ao phải chắc chắn không bị sạt lở, không có khe nứt, hang hốc.

Mực nước trung bình từ 60-70 cm, trong ao có thể thả bèo tây để tạo chỗ trú ẩn cho cá tránh nóng, tránh rét và làm sạch môi trường nước.

1.1 Kỹ thuật xử lý, cải tạo ao nuôi

Đối với những ao đã nuôiCó hai phương pháp cải tạo ao, đó là cải tạo khô hoặc cải tạo ướt, cũng có thể kết hợp giữa cải tạo khô và cải tạo ướt, tuỳ thuộc vào chất đất, độ pH của đất, điều kiện vùng nuôi để có phương pháp cải tạo ao thích hợp đảm bảo nền đáy ao sạch, chất lượng nước tốt và ổn định.

* Cải tạo ướt: Đối với ao bị nhiễm phèn hoặc không thể phơi đáy. Hút bùn đen ra ngoài ao. Lấy nước vào đầy ao rồi xả, xả 3-4 lần. Lấy nước vào khoảng 30cm rồi đánh CaO (vôi tôi) 15-20 kg/100m2. Ngâm 2-3 ngày sau đó xả bỏ. Lấy nước vào, xả bỏ lại một lần nữa, nên cải thiện đáy ao với men vi sinh xử lý đáy.

Bón vôi CaCO3 (vôi bột), liều lượng vôi dùng để cải tạo cho 1.000 mao.

 

pH

CaCO3 (Vôi bột)

(Kg)

Ca(OH)2

(Vôi nông nghiệp)

4 - 5

160 - 180

100 - 120

5 - 6

120 - 140

80 - 100

> 6

80 - 100

40 - 60

Sau đó, lấy nước vào ao.

* Cải tạo khô: Đối với ao ít hoặc không nhiễm phèn, thì thực hiện:

Tát cạn ao: Có thể tháo, bơm, hoặc tát để ao hết nước.

Dọn ao: Sửa sang bờ, dọn cỏ quanh bờ, chống rò rỉ, dọn sạch và san đáy, vét bùn, sửa sang cống tháo nước vào, ra. Trong điều kiện cho phép có thể cày xới và phơi lớp bùn đáy ao trong 5-10 ngày tạo điều kiện cho oxy thâm nhập vào đáy ao góp phần làm tăng độ màu mỡ của ao. Lớp bùn trong ao nuôi cá nên để từ 20-25cm là tốt nhất.

Diệt tạp: Tức là diệt các loại sinh vật gây hại cá còn sót lại dưới đáy ao hoặc xung quanh bờ, chủ yếu là các loài cá ăn thịt như lươn, cá rô, cá trê, cá lóc, các loại ấu trùng, côn trùng, cóc, ếch nhái. Dọn ao và diệt tạp thường tiến hành đồng thời và làm trước khi thả cá ra ao từ 10-12 ngày. Nếu làm sớm quá sinh vật hại cá sẽ có điều kiện phát triển trở lại. Nếu làm muộn thì một số chất diệt tạp chưa phân hủy hết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cá bột. Sử dụng vôi để diệt tạp. Khi vôi tan vào trong nước làm tăng độ pH của nước lên cao (pH = 11) làm cho các loài cá tạp, tôm và các sinh vật có hại khác bị tiêu diệt.

Bón lót: Là biện pháp cần thiết trong khâu chuẩn bị ao ương nhất là với những ao nghèo chất dinh dưỡng. Mục đích của việc bón lót là cung cấp cho ao một lượng phân hữu cơ là nguồn dinh dưỡng tức thời cho các sinh vật làm thức ăn cho cá ngay khi thả xuống ao. Mặt khác do phần lớn lượng phân bón lót phân hủy chậm nên nó sẽ tiếp tục bổ sung dinh dưỡng giúp cho quá trình phát triển sinh vật phù du trong ao được lâu bền trong suốt thời kỳ nuôi cá. Tùy điều kiện từng địa phương, gia đình có thể sử dụng phân lợn, gà đã ủ để bón lót tránh dùng phân có nhiều rác khó phân hủy. Lượng phân bón 20-50 kg/100m2.

Gây màu nước: Sau khi vét bùn đáy, bón vôi khử trùng, bón lót xong ta tiến hành lấy nước vào ao để đạt độ sâu 70 cm rồi tiến hành gây màu nước. Lưu ý khi lấy nước phải dùng lưới lọc ở chỗ lấy nước vào để ngăn các loài địch hại.

Gây màu nước thực chất là tạo môi trường thuận lợi cho tảo phát triển, tảo quang hợp mạnh sẽ cung cấp nhiều oxy cho ao nuôi. Chúng ta nên sử dụng các loại phân vô cơ NPK, phân vi sinh, men vi sinh hoặc chế phẩm sinh học bón xuống ao. Khoảng 7-10 ngày sau khi sử dụng phân bón, tảo trong ao phát triển, màu nước của ao có màu xanh nhạt thì chúng ta tiến hành thả giống. Với cách chuẩn bị như thế, hầu hết các ao nuôi sau khi thả giống một tháng không phải thay nước, chỉ cần giữ mực nước ở ao nuôi với độ sâu tối thiểu từ 1-1,2m.

Cách gây màu nước

+ Nếu dùng phân đã ủ để gây màu thì hòa phân với nước rồi rắc đều khắp ao. Lượng phân dùng khoảng 50-60 kg/100m2.

+ Nếu dùng phân xanh thì phải ngâm xuống ao sớm hơn bón phân chuồng 3-4 ngày. Bó phân xanh thành từng bó khoảng 5-10 kg. Cứ 100mrải 3-4 bó đều quanh ao. Cứ như vậy khoảng 7-10 ngày phân xanh phân hủy hết thì vớt đi phần cành cây không phân hủy, rồi lấy tiếp nước cho đạt yêu cầu.

- Đối với những ao mới đào: Nếu ao mới đào chưa nuôi cá, cho nước vào ngâm 2-3 ngày rồi xả hết nước ngâm và tháo rửa như vậy ít nhất 2-3 lần để rửa ao. Sau đó tiến hành các bước cải tạo ao như với ao đã nuôi ở trên.

2. Chọn giống nuôi và thả giống: Giống được mua tại những cơ sở chuyên sản xuất giống nhân tạo cá chạch bùn. Khi mua cần chú ý chọn mua ở những địa chỉ tin cậy, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu như cá khỏe mạnh, cỡ đồng đều 500 con/kg, sáng bóng, không mất nhớt, bơi lội hoạt bát, không bị trầy xước.

3. Mật độ thả nuôi: 45 con/m2 hoặc thả 10-15 kg chạch giống/100m2 ao. Cá nên được thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Nếu cá được vận chuyển bằng túi nilong bơm oxi, trước khi thả phải ngâm túi chứa cá vào ao thả từ 15-20 phút để tránh sốc do nhiệt độ và môi trường nước ao thay đổi.

4. Cho ăn và chăm sóc

Thức ăn: Có thể sử dụng nhiều loại thức ăn khác nhau như: khô đậu, cám gạo, nhộng tằm, thức ăn chế biến, thức ăn công nghiệp, cá tạp, ốc xay. Khuyến cáo nên dùng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi dùng cho cá chạch có hàm lượng đạm từ 30-35%.

Lượng thức ăn: 5-8% trọng lượng thân. Hệ số tiêu tốn thức ăn 1,7kg thức ăn sẽ cho ra 1 kg cá chạch thương phẩm có trọng lượng 25-30 con/kg (trung bình 30-40 g/con).

Thời gian cho ăn: Cho ăn 1-2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối. Tuy nhiên cá có tập tính ăn chủ yếu vào ban đêm, nên lượng thức ăn cho ăn vào chiều tối là chủ yếu.

5. Thu hoạch

Khi cá chạch đạt giá trị thương phẩm, trước khi xuất bán không cho ăn trước 1 ngày, không dùng kháng sinh trước khi xuất bán 15 ngày. Đánh bắt cẩn thận không để xây xát, cho vào thùng xốp, không cho nước, hoặc cho ít nước để không bị khô da.

6. Phòng bệnh và trị bệnh

Phòng bệnh: Cá chạch ít bị bệnh, tuy nhiên nếu để nước ô nhiễm nhiều ngày thì cũng dễ bị bệnh. Cá chạch có thể bị nấm, đốm đỏ lở loét, bệnh đường ruột... Để phòng bệnh nên trộn thêm vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn, định kỳ cho ăn 2 lần/tháng, mỗi lần 3-5 ngày liên tục. Ngoài ra còn phải cho ăn 4 đúng (đúng chất lượng, đúng số lượng, đúng thời gian, đúng vị trí). Chú ý thay nước định kỳ không để nước ô nhiễm.

Trị bệnh: Khi phát hiện cá chạch bị nấm có thể tắm cho bằng các loại hóa chất sau: Nước muối 3%; hoặc KMnO4 liều lượng 20g/m3 nước, thời gian 10-15 phút.

Trộn kháng sinh vào thức ăn cho ăn: Doxycyline 0,2-0,3g/kg thức ăn; Oxytetracyline 2-4g/kg thức ăn, cho ăn 5-7 ngày liên tục.

Nguyễn Thị Thu Thắm

Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai

Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Tất Dương - Giám đốc Trung tâm

Top