Liên kết website

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

05163869
Hôm nayHôm nay1680
Hôm quaHôm qua3935
Tháng nàyTháng này60001
Tổng cộngTổng cộng5163869

Lâm Đồng là một trong những tỉnh vùng Tây Nguyên được Bộ Nông nghiệp và PTNT quy hoạch trồng mắc ca, việc phát triển diện tích trồng cây mắc ca sẽ góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà, phát huy lợi thế so sánh so với các vùng khác trong cả nước.

Cây mắc ca là cây lâm nghiệp đa tác dụng, thường xanh có nguồn gốc và được trồng nhiều ở châu Úc, Haoai (Mỹ), Braxin, Nam Phi và một số vùng ở Thái Lan, Trung Quốc… có chu kỳ kinh doanh dài khoảng 40-60 năm cung cấp nhân làm thực phẩm giàu dinh dưỡng. Ở Việt Nam cây mắc ca đã được trồng ở Ba Vì (Hà Nội), Điện Biên, Lạng Sơn, Đăk Lăk, Đăk Nông, Thanh Hóa, Lâm Đồng. Tại Lâm Đồng diện tích trồng mắc ca khoảng 960ha (ở các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đam Rông, TP. Đà Lạt, Bảo Lộc),… Cây mắc ca bắt đầu trồng vào năm 2003, và từ năm 2009 bắt đầu được người dân quan tâm, trồng nhiều, đến nay có những cây đã đạt năng suất 30 kg hạt/cây. Đây là cơ sở để đánh giá sự phù hợp của cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Các dòng mắc ca đã được công nhận và có tiềm năng: 246, 741, 816, 842, 695, OC, 900, 849, 800, Daddow trồng đều có trái, hạt chế biến đã được thị trường chấp nhận. Mỗi dòng có những ưu, nhược điểm riêng, cần được tiếp tục tuyển chọn để chọn ra những dòng tốt nhất phù hợp tại Lâm Đồng.

Về công tác giống: có các cơ sở cung cấp cây giống mắc ca ghép như Công ty mắc ca Him Lam ở Tu Tra - Đơn Dương, Công ty Đức Anh ở Phú Hội - Đức Trọng; cây giống của Công ty Vinamacca ở Đăk Lăk, Công ty Cổ phần xuất khẩu Nông lâm sản chế biến ở Hà Nội. Ngoài ra, vẫn còn có một số cơ sở bán giống cây mắc ca thực sinh cho người dân (tuy nhiên, bà con nông dân không nên trồng cây mắc ca thực sinh).

Về khâu tách vỏ quả sau thu hoạch: Ngoài tách vỏ quả bằng phương pháp thủ công, Công ty Mắc ca Việt ở Di Linh, Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Thanh Trị ở Đức Trọng đã sản xuất máy tách vỏ quả mắc ca, từng bước cơ giới hóa trong khâu sau thu hoạch, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm.

Về chế biến: có các cơ sở chế biến hạt mắc ca được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép như Công ty Mắc ca Việt ở Hòa Trung - Di Linh; Công ty TNHH Thuận Bảo Khang, cơ sở sản xuất Nguyễn Hữu Việt ở Tân Hà- Lâm Hà; HTX  Nông nghiệp Việt Xanh ở thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng. Bên cạnh đó, ở Lâm Đồng có các cơ sở sản xuất hạt chế biến khác và trong nước có các công ty nhập hạt từ nước ngoài (Úc, Trung Quốc...) về sản xuất hạt chế biến. Nhìn chung các cơ sở đều chế biến mặt hàng là hạt mắc ca sấy nứt phục vụ tiêu dùng trong nước, chưa đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị nhân hạt mắc ca phục vụ xuất khẩu. Nguyên nhân là nguồn nguyên liệu hạt chưa nhiều, các cơ sơ chế biến còn nhỏ, đầu tư cho chế biến sâu hạt mắc ca cần nhiều vốn, nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Chỉ với thời gian khoảng 6 năm, ngành sản xuất mắc ca Lâm Đồng đã có những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định vị thế tiên phong, đi đầu trong cả nước về sản xuất mắc ca, trên chặng đường hình thành phát triển có những thuận lợi và khó khăn sau:

* Thuận lợi

Việt Nam nói chung, Lâm Đồng nói riêng đi sau về phát triển mắc ca, nên sẽ học và rút kinh nghiệm phát triển mắc ca từ các nước đi trước; bài học gần nhất là từ Trung Quốc do trồng cây mắc ca thực sinh và trồng ở vùng khí hậu không phù hợp nên đã phải phá bỏ nhiều diện tích.

Chính phủ đã ban hành nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Bộ kế hoạch đầu tư đã có thông tư số 05/2014/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện nghị định này, trong đó có hỗ trợ khi trồng mắc ca 50 ha (trồng phân tán thì 500 cây tương đương 01 ha trồng thuần).

Tỉnh Lâm Đồng đã có quy hoạch để phát triển cây mắc ca giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2030, là cơ sở để phát triển mắc ca tại tỉnh nhà, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh vào trồng mắc ca. Tập đoàn Him Lam đã thành lập Công ty mắc ca Him Lam có trụ sở chính tại Tu Tra - Đơn Dương; Công ty đã xây dựng vườn ươm cây giống mắc ca quy mô triệu cây giống, trong thời gian tới xây dựng nhà máy chế biến hạt mắc ca; Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thuộc tập đoàn có gói tín dụng cho người dân vay trồng mắc ca, giúp nhanh hình thành vùng nguyên liệu mắc ca tập trung có chất lượng cao.

Những vùng trồng cây mắc ca tại Lâm Đồng có thiên nhiên ưu đãi, có thổ nhưỡng khí hậu phù hợp, ít gió bão; đây là một lợi thế so sánh so với các vùng khác trong cả nước và thế giới.

* Khó khăn

 Ngành sản xuất mắc ca của Việt Nam nói chung, Lâm Đồng nói riêng sẽ phải cạnh tranh với các nước sản xuất mắc ca trên thế giới. Bắt buộc ngành mắc ca trong nước phải chuẩn hóa hạt, nhân theo tiêu chuẩn của thị trường thế giới.

Trước đây một số người dân trồng cây giống thực sinh, chưa nắm kỹ thuật trồng cây mắc ca; dẫn đến chất lượng hạt, nhân chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, cây chậm có trái hơn cây ghép, năng suất không cao, sẽ gây tác động tâm lý không tốt đến người dân trồng mắc ca. Những cây không đạt yêu cầu sẽ phải ghép cải tạo lại.

 Trên thị trường có một số cơ sở sản xuất hạt mắc ca chế biến có nguồn gốc hạt không phải từ Lâm Đồng nên chất lượng nhân không ngon nhưng vẫn lấy thương hiệu là mắc ca Lâm Đồng sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu mắc ca Lâm Đồng trong thời gian tới.

Công tác giống còn chậm, giá cây giống ghép cao nên chưa thu hút người dân trồng mắc ca. Ngoài ra, cây mắc ca còn cạnh tranh với cây trồng khác đang có giá trị kinh tế cao trên thị trường là cây bơ, sầu riêng, tiêu...

* Một số giải pháp để phát triển mắc ca bền vững

 Cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư trồng, xây dựng nhà máy chế biến sâu, nâng cao giá trị nhân mắc ca. Để sản xuất mắc ca hiệu quả, bền vững cần liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) cùng tham gia sản xuất mắc ca theo nhu cầu thị trường trong nước và thế giới.

Tuyển chọn những dòng mắc ca có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Lâm Đồng từ những dòng đang trồng. Tiếp tục bình tuyển những cây mắc ca thực sinh trội, ưu tú, làm cây đầu dòng mới từ những vườn cây thực sinh đang trồng.

Xây dựng thương hiệu mắc ca Lâm Đồng, trước tiên cần quản lý về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm hạt  trên thị trường, sản phẩm có nhãn mác ở Lâm Đồng phải đảm bảo đúng nguồn gốc hạt từ Lâm Đồng.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và khuyến cáo người dân nên trồng cây mắc ca ghép, tránh thiệt hại, rủi ro cho người dân khi trồng cây thực sinh. Huấn luyện cho người dân về việc trồng, chăm sóc, thu hoạch mắc ca để đảm bảo chất lượng sản phẩm đòi hỏi trong khâu sau thu hoạch người dân phải tuân thủ đúng kỹ thuật.

Thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây mắc ca, làm đầu mối cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Tập trung đầu tư duy trì, phát triển những diện tích mắc ca có năng suất, chất lượng, chú trọng về chất lượng không phát triển về số lượng.

Nguyễn Văn Diện - TTKN Lâm Đồng 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Tất Dương - Giám đốc Trung tâm

Top