Liên kết website
Thống kê truy cập








![]() | Hôm nay | 1780 |
![]() | Hôm qua | 7083 |
![]() | Tháng này | 60001 |
![]() | Tổng cộng | 4445719 |
Bảo tồn và phát triển nguồn gen giống trâu Langbiang tại huyện Lạc Dương
Lạc Dương là huyện miền núi nằm ở phía đông Bắc của tỉnh Lâm Đồng, có diện tích đất tự nhiên hơn 131 nghìn ha, độ che phủ rừng lớn đến 85%, là huyện có điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng và lợi thế cạnh tranh trong phát triển các loại cây trồng vật nuôi với năng suất, chất lượng, giá trị cao, có điều kiện hết sức thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp. Cây trồng chủ yếu là cây cà phê chè (xã Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais, Đưng K’nớ, xã Lát). Cây rau, hoa (thị trấn Lạc Dương, xã Đạ Sar ); Chăn nuôi: Trâu, bò, heo và gia cầm, chăn nuôi còn nhỏ lẻ. Trên địa bàn huyện theo số liệu thống kê năm 2023 đàn trâu có khoảng 2.130 con, phân bố chủ yếu ở các xã, thị trấn : Xã Đạ Sar 640 con, Đạ Nhim 480 con, thị trấn Lạc Dương 490 con và xã Lát 520 con.
Giống trâu Langbiang là loài gia súc đã gắn bó với người dân tộc thiểu số địa phương từ lâu đời, cung cấp sức kéo, nguồn thực phẩm. Từ năm 2018 trở về trước, giống trâu Langbiang được chăn thả theo 2 phương thức chính thả rông và bán chăn thả. Trong đó, thả rông là chủ đạo trên 80%, thức ăn cung cấp cho đàn trâu chủ yếu dựa vào đồng cỏ tự nhiên, đồi núi, cỏ dưới tán rừng thông, bà con không chú trọng vào nguồn thức ăn bổ sung (ngoại trừ việc bổ sung muối ăn vào thời điểm giao mùa), không có nguồn thức ăn dự trữ vào mùa khô hạn. Vào mùa sinh sản, trâu trong bầy đàn tự giao phối, đến thời kỳ sinh sản cũng diễn ra tự nhiên, không có sự can thiệp, chăm sóc của người chăn nuôi, vì thế tỷ lệ nghé sơ sinh sống cũng không cao, nhất là vào mùa mưa bão, ảnh hưởng đến sự tăng đàn tự nhiên. Thịt trâu Langbiang có độ ngon ngọt đăc trưng, là loại thịt đặc sản chỉ được sử dụng trong các dịp lễ hội, các dịp hiếu, hỉ. Người dân không chăn nuôi vào mục đích bán trâu thương phẩm để cung cấp thực phẩm thường xuyên cho cộng đồng mà trâu là của cải để dành, dùng để trao tặng. Do tập quán chăn thả bầy đàn, giao phối tự do nên tình trạng trùng huyết làm vóc dáng thế hệ trâu con sau này nhỏ, năng suất không cao, ảnh hưởng đến phẩm chất, chất lượng nguồn giống, làm giảm hiệu quả chăn nuôi. Hiện nay, đàn trâu của huyện có xu hướng giảm so với các năm, do tỷ lệ tăng đàn tự nhiên thấp, một số hộ dân xuất bán trâu thịt do diện tích chăn thả bị thu hẹp.
Xuất phát từ thực tế trên, từ năm 2018, giống Trâu Langbiang là đối tượng để TS. Phạm Công Thiếu và các cộng sự tại Viện Chăn nuôi (Bộ Nông Nghiệp và PTNT) thực hiện đề tài: “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi”. Đề tài đã bảo tồn và lưu giữ được 14 đối tượng nguồn gen vật nuôi, trong đó nhóm gia súc có 7 đối tượng: Lợn Cỏ Bình Thuận, lợn Chư Prông, lợn Mường Tè, ngựa Mường Lống, trâu Langbiang, dê đen và thỏ nội. Năm 2019, Viện Chăn nuôi đã phối hợp cùng Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương tiến hành phân tích đa dạng di truyền từ 43 mẫu tai trâu Langbiang để so sánh với một số quần thề trâu nội Việt Nam, cho thấy sự khác biệt giữa giống trâu Langbiang và các giống trâu nội đặc trưng khác (trâu Thanh Chương, Nghệ An; trâu Bảo Yên, Lào Cai). Đề tài đã đánh giá được khoảng cách di truyền của trâu Langbiang với các quần thể trâu Bảo Yên và trâu Thanh Chương. Khoảng cách di truyền nhỏ nhất được tìm thấy giữa các cặp trâu Thanh Chương và Bảo Yên (0,1200), tiếp đến là giữa trâu Thanh Chương và Lang Biang (0,1691), cao nhất là trâu Bảo Yên và Lang Biang (0,1767). Từ đó bắt đầu năm 2021 tiếp tục thực hiện đề tài “Khai thác và phát triển trâu Langbiang tại Lâm Đồng” nhằm bảo tồn và phát triển giống trâu Langbiang đem lại hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi trâu góp phần duy trì, phát triển đàn trâu Langbiang từ đó nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân chăn nuôi.
Đề tài đã chọn các hộ dân tại các xã Đa Sar, Đa Nhim và xã Lát, huyện Lạc Dương để thực hiện các nội dung: Chọn và xây dựng đàn hạt nhân trâu Langbiang (quy mô: 64 trâu giống, trong đó 60 trâu cái và 04 trâu đực), đánh giá khả năng sản xuất của đàn hạt nhân trâu Langbiang, xây dựng đàn sản xuất trâu Langbiang (quy mô: 84 trâu giống, trong đó 80 trâu cái và 04 trâu đực), đánh giá khả năng sản xuất của đàn sản xuất trâu Langbiang, xây dựng 02 mô hình liên hộ chăn nuôi trâu Langbiang thương phẩm (quy mô: 02 mô hình 200 con (100 con/mô hình), đánh giá mô hình chăn nuôi trâu Langbiang thương phẩm qua đó theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đàn trâu tại mô hình về tăng trọng, lượng thức ăn thu nhận, khảo sát đánh giá năng suất, chất lượng thân thịt của trâu Langbiang.
Các hộ tham gia xây dựng mô hình chăn nuôi trâu đã được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nông nghiệp, các thành viên thực hiện đề tài thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện quy trình chăn nuôi trâu, được hỗ trợ vật tư các loại để đảm bảo các nội dung của đề tài thực hiện có hiệu quả và đem lại kết quả cao trong công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen giống trâu Langbiang. Sau 3 năm triển khai, đàn hạt nhân trâu Langbiang sinh trưởng và phát triển tốt với năng suất cao hơn đàn đại trà từ 10 - 15%. Quy trình chăn nuôi trâu Langbiang sinh sản và thương phẩm được người dân hưởng ứng áp dụng để phục vụ chăn nuôi trâu Langbiang tại địa phương, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả trong việc chăn nuôi trâu. Đàn trâu được chăn thả có kiểm soát giúp thuận lợi trong quá trình tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh, có điều kiện để bổ sung thức ăn trong mùa khô hạn, can thiệp kịp thời trong quá trình trâu sinh sản.
Với việc xây dựng các mô hình nuôi trâu thương phẩm hướng tới liên kết các hộ chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, cung cấp nguồn thịt trâu đặc sản của địa phương ra thị trường, các nội dung của việc xây dựng mô hình đang được Trung tâm Nông nghiệp, chính quyền địa phương, các hộ dân chăn nuôi trâu quan tâm, tích cực đầu tư, hưởng ứng, thực hiện đúng theo quy trình được xây dựng để đàn trâu Langbiang được bảo tồn và phát triển, tiếp tục duy trì và tăng đàn trở lại đem lại lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế, an ninh xã hội tại địa phương.
Nguyễn Thị Quỳnh Trang - TTNN Lạc Dương