Liên kết website

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

05163689
Hôm nayHôm nay1500
Hôm quaHôm qua3935
Tháng nàyTháng này60001
Tổng cộngTổng cộng5163689

Chăn nuôi tuần hoàn là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm; ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường.

Có ý kiến cho rằng, đây sẽ là hướng đi chủ đạo để ngành chăn nuôi nước nhà phát triển bền vững thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nguồn tài nguyên dần hạn hẹp và nguy cơ ô nhiễm môi trường chăn nuôi vẫn hiện hữu.

Theo Cục Chăn nuôi, thời gian qua nhiều địa phương trên cả nước đã áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn từ sản xuất thức ăn, trang trại, thực phẩm và phân bón hữu cơ (hệ thống chăn nuôi tuần hoàn 4F) khá hiệu quả. Tại Thủ đô, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai dự án xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học ở Sơn Tây, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai... Sau 07 tháng nuôi, 750 con lợn đạt trọng lượng trung bình hơn 100 kg/con, đem lại lợi nhuận khá cao, giúp người chăn nuôi có đầu ra ổn định. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội - Vũ Thị Hương chia sẻ, thông qua mô hình này, nông dân có thêm cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, phát triển chuỗi liên kết, nhờ đó tăng hiệu quả kinh tế từ 15 - 20% so với chăn nuôi truyền thống.

chăn nuôi tuần hoàn

Được sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình đã thực hiện mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học tại các huyện Kim Bôi và Lương Sơn. (Ảnh: Thanh Hằng)

 

Cùng với đó, để hướng dẫn người chăn nuôi hiểu biết đầy đủ hơn những kỹ thuật chăn nuôi góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm môi trường, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm đã thực hiện mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Nam Định, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc; áp dụng công nghệ sử dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn hỗn hợp, giúp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn (dịch tả lợn châu Phi, tiêu chảy), giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Tiếp đến, Công ty cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 (Hòa Bình) cũng đã triển khai mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học ở Hòa Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc...; áp dụng quy trình chăn nuôi tuần hoàn khép kín (sử dụng toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp kết hợp men vi sinh làm đệm lót sinh học cho vật nuôi), góp phần phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp tại các địa phương nêu trên. Về vấn đề này, Chủ tịch Công ty cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hà Văn Thắng thông tin thêm, để tổ chức các mô hình chăn nuôi tuần hoàn khá tốt trong thực tế, công ty đã vận dụng sáng tạo một số nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn như: Tổ chức chăn nuôi tập trung và chăn nuôi liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại. Xử lý triệt để các ảnh hưởng môi trường trong quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh, nhằm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Tuy đạt được một số kết quả khả quan, song việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn như: Nhiều phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng tại địa phương, vẫn còn tình trạng lãng phí các phụ phẩm cây trồng, chất thải vật nuôi. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò, lợi ích, bản chất của phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi chưa đầy đủ. Nhiều hộ tham gia vẫn theo thói quen, kinh nghiệm đã có nên khi tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế.

Chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh, chất thải chăn nuôi. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong chăn nuôi vẫn hạn chế, chưa đồng bộ, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xử lý chất thải dẫn đến ô nhiễm môi trường còn nhiều. Năng lực tái chế, tái sử dụng các chất thải chăn nuôi còn bất cập. Các doanh nghiệp thu mua chất thải chăn nuôi còn ít, mới chỉ dừng lại trong việc tái sử dụng cho cây trồng của chính các chủ trang trại hoặc thương lái nhỏ lẻ. Một số nơi chưa quan tâm công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi; chất thải vẫn chủ yếu thải trực tiếp ra môi trường…

Theo các chuyên gia, để khắc phục những bất cập nêu trên, Nhà nước cần có chính sách đặc thù (ưu đãi về cơ chế, thủ tục hành chính, tài chính, tiếp cận các nguồn lực) để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi cho cả hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải, phụ phẩm nông nghiệp. Xây dựng thêm các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái: trồng trọt - chăn nuôi, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp hữu cơ cho trồng trọt. Khuyến khích các mô hình trồng trọt - chăn nuôi bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi kinh tế tuần hoàn, các mô hình liên kết Hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, hạn chế sử dụng kháng sinh; tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, hiệu quả và lợi ích mà các mô hình mang lại. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia - Hạ Thúy Hạnh, nếu làm tốt sẽ tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy chăn nuôi phát triển và đem lại nhiều lợi ích cho xã hội.

 

Anh Quang (Nguồn: nguoichannuoi.vn)

Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Tất Dương - Giám đốc Trung tâm

Top