Liên kết website

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

03609303
Hôm nayHôm nay924
Hôm quaHôm qua4193
Tháng nàyTháng này60001
Tổng cộngTổng cộng3609303

Người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Di Linh chăn nuôi nhiều loại vật nuôi như trâu, bò, dê, heo, gà...  nhưng theo tập quán lâu đời nuôi thả rông xung quanh nhà, vườn cà phê, vườn cây ăn quả, thậm chí trong rừng. Đàn trâu của bà con chủ yếu được nuôi thả rông trong rừng và chỉ đưa về nhà chăn thả ra ngoài cánh đồng sau khi thu hoạch xong vụ lúa. Những năm gần đây, thông qua việc tuyên tuyền, vận động, tập huấn hội thảo, tham quan học tập... bà con người đồng bào được tiếp cận với nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi mới, mạnh dạn đầu tư nuôi những vật nuôi nhốt chuồng và đòi hỏi kỹ thuật chăn nuôi cao như chăn nuôi bò lấy sữa, nuôi thỏ sinh sản hoặc bán thương phẩm nhằm tăng thêm thu nhập cho nông hộ.

Hiện nay, tổng đàn bò sữa của huyện có 960 con được nuôi tại 34 hộ chăn nuôi và 01 trang trại bò sữa Vinamilk. Cách thức chăn nuôi bò sữa tại huyện với quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ hoặc gia trại theo hướng bán công nghiệp và nuôi bò sữa theo hướng organic của trang trại bò sữa Vinamilk. Trong đó, điển hình có hộ gia đình anh K’Gim ở thôn 05, xã Liên Đầm là hộ đồng bào dân tộc K’ho duy nhất của huyện Di Linh đã mạnh dạn đầu tư chuyển sang nuôi bò sữa. Trước khi quyết định chuyển sang nuôi bò sữa, anh K’Gim đã chủ động tham dự các buổi hội nghị tuyên truyền, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa của các hộ tiêu biểu về chăn nuôi bò sữa tại xã Đinh Lạc do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trung tâm Nông nghiệp huyện, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh tổ chức... Ngoài ra, anh còn trực tiếp đi tham quan các hộ chăn nuôi bò sữa trong huyện và các hộ chăn nuôi bò sữa tại huyện Đức Trọng, Đơn Dương... Khi tận mắt thấy các hộ chăn nuôi là người đồng bào thiểu số tại các huyện này chăn nuôi bò sữa thành công và mang lại hiệu kinh tế khả quan, anh về bàn bạc với gia đình và quyết định đầu tư chăn nuôi bò sữa.

Đến tháng 9/2018, anh phá 02 sào cà phê trồng cỏ VA06 do Trung tâm Nông nghiệp huyện hỗ trợ theo dự án phát triển bò sữa giai đoạn 2016 - 2020. Anh đầu tư 50 triệu đồng để xây chuồng trại nuôi bò, khu vực để dự trữ thức ăn và các dụng cụ phục vụ chăn nuôi; vay vốn thêm từ ngân hàng 180 triệu để mua 04 con bò sữa đang mang thai. Sau gần 03 năm chăn nuôi, từ đàn bò sữa ban đầu đã sinh sản được 13 bê con (04 con bê cái, 09 con bê đực). Số bê cái anh giữ lại làm giống, số bê đực này hai năm đầu do thiếu cỏ anh bán cho các hộ nuôi bò thịt. Hơn 01 năm trở lại đây anh phá thêm 2,5 sào cà phê trồng thêm cỏ, bắp làm thức ăn cho bò. Khi sản lượng cỏ tăng lên, đàn bò sữa ăn còn dư cỏ nên anh giữ bê đực lại nuôi bê thịt để tăng thêm thu nhập. Hiện nay, anh có 08 bò sữa (05 con đang khai thác sữa, 03 con hậu bị). Mỗi ngày anh bán cho Công ty Vinamilk gần 100 kg sữa, trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y... lợi nhuận thu được hơn 300 ngàn đồng/ngày. Lợi nhuận hàng tháng từ việc bán sữa khoảng 10 triệu đồng/tháng, đây là thu nhập khá đối với hộ đồng bào đã dám mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò sữa tại huyện Di Linh hiện nay.

Anh K’Gim tâm sự: “Để có được kết quả như ngày hôm nay, anh đã trải qua nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao chất lượng, sản lượng sữa, thao tác vắt sữa, vệ sinh sát trùng chuồng trại,... mặc dù anh đã tham dự lớp học nghề, tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi bò sữa. Trong quá trình chọn mua bò giống chưa có kinh nghiệm cũng như mua bò giống không có nguồn gốc rõ ràng. Chưa phát hiện sớm bò bị ốm, bò có biểu hiện động dục... để gọi cán bộ thú y nên chi phí trong chăn nuôi giai đoạn đầu tăng cao”.

Khác với mô hình chăn nuôi bò sữa cần nhiều vốn, diện tích đất làm chuồng trại, đất trồng cỏ lớn, kỹ thuật chăn nuôi cần áp dụng đồng bộ nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều kỹ năng và sử dụng nhiều dụng cụ cơ giới hóa... thì mô hình nuôi thỏ là mô hình chăn nuôi ít vốn, cần diện tích nhỏ để làm chuồng trại và trồng cây thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi lại đơn giản, nhưng hiệu quả chăn nuôi thỏ cũng khá cao. Thỏ là gia súc ăn tạp, ăn được nhiều loại thức ăn của trâu, bò, dê,... có thể tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên. Do đó, khi nuôi thỏ, hộ chăn nuôi không cần quá lo lắng về thức ăn, chỉ cần tham dự một số lớp tập huấn về chăn nuôi thỏ để nắm vững kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc thỏ khi nuôi nhốt trong chuồng giúp giảm rủi ro, nâng cao năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thỏ còn là vật nuôi có thời gian sinh trưởng ngắn, sinh sản nhiều con trong một lứa, thời gian mang thai ngắn, cung cấp cho con người nhiều loại sản phẩm như thịt có hàm lượng dinh dưỡng đạm cao, sản phẩm phụ như: lông, da sử dụng làm phân bón hữu cơ có hàm lượng N, P, K rất tốt cho cây trồng và quan trọng hơn nuôi thỏ thì thời gian thu hồi vốn nhanh. Vì vậy, nuôi thỏ đang được các hộ gia đình nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số quan tâm chăn nuôi nhằm xóa đói giảm nghèo, cải thiện kinh tế gia đình. Hiện nay, tổng đàn thỏ của huyện Di Linh khoảng 7.995 con, có 49 hộ chăn nuôi, trong đó, 50% số hộ chăn nuôi thỏ là người đồng bào gốc Tây nguyên.         

Anh Yang Kar Nhàn đang chăm sóc đàn thỏ

Xã Bảo Thuận là xã có đàn thỏ lớn nhất huyện với trên 4.500 con và được sự hỗ trợ của chính quyền xã, bà con nuôi thỏ đã liên kết lại thành lập Hợp tác xã nuôi thỏ. Hộ anh Yang Kar Nhàn ở thôn Kala Krọt, xã Bảo Thuận, trước đây chăn nuôi 20 con dê và hơn 200 con gà và gần đây anh phá thêm 03 sào cà phê để trồng cỏ, xây dựng chuồng trại nuôi thỏ. Tháng 3/2020, anh đầu tư 6 triệu đồng mua 05 con thỏ bố mẹ, 10 con thỏ con. Qua hơn 1 năm chăm sóc, nuôi dưỡng đến nay anh có 50 con thỏ bố mẹ, 300 thỏ thịt. Nhờ nắm vững kiến thức về chăn nuôi thỏ và biết cách chủ động phòng chống dịch bệnh nên đàn thỏ của anh phát triển rất nhanh. Hiện nay, ngoài việc giữ đàn thỏ làm giống để tiếp tục nhân đàn, anh bán bớt thỏ thịt, sau khí trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y... lợi nhuận thu được 8 triệu đồng/tháng. Từ hiệu quả mô hình này, thời gian qua Hội Nông dân xã Bảo Thuận đã tổ chức cho nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu người dân chăn nuôi nhiều sẽ dẫn đến giá cả xuống thấp. Do đó, Hợp tác xã chăn nuôi thỏ phải phát huy vai trò tích cực, xây dựng quy trình chăn nuôi thỏ cho xã viên, đồng thời là cầu nối tiêu thụ sản phẩm thỏ cho xã viên thì người dân mới mạnh dạn đầu tư, nhân rộng mô hình chăn nuôi thỏ.

Nếu so sánh hiệu quả chăn nuôi bò sữa, nuôi thỏ của hai hộ đồng bào trên so với một số hộ người kinh chăn nuôi về các lĩnh vực tương ứng thì không cao bằng nhưng đây là 02 mô hình điển hình của người đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi sang chăn nuôi nhốt chuồng không thả rông, là mô hình mẫu để tuyên truyền vận động và đã mở ra hướng chăn nuôi phù hợp cho người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên tại huyện với nguồn thu nhập ổn định, góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo ở địa phương, đồng thời chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Kim Yến - TTNN Di Linh

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Văn Tuận - Giám đốc Trung tâm

Top