Liên kết website

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

05062094
Hôm nayHôm nay3479
Hôm quaHôm qua6025
Tháng nàyTháng này60001
Tổng cộngTổng cộng5062094

Trái hồng Đà Lạt hiện là đặc sản của địa phương, có giá trị kinh tế khá cao. Cây hồng được trồng nhiều ở các xã Xuân Trường, Trạm Hành của thành phố Đà Lạt và thị trấn Dran của huyện Đơn Dương… Trái hồng Đà Lạt ngoài dùng làm hồng giòn ăn tươi, hồng chín còn làm hồng sấy và đặc biệt hiện nay là sản phẩm hồng treo gió rất nổi tiếng.

Sản phẩm hồng treo gió có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên thời gian sản xuất từ khi treo đến ra thành phẩm khá dài và mất nhiều công đoạn, tốn nhiều công lao động. Mặt khác, sản phẩm hồng treo gió chỉ sản xuất được khi trái hồng sắp chín, bắt đầu từ đầu tháng 10 dương lịch. Vài năm trở lại đây, khí hậu có nhiều thay đổi, vùng trồng hồng Đà Lạt cuối mùa mưa vẫn còn mưa dầm liên tục và khí hậu luôn ẩm ướt vào thời điểm sản xuất hồng treo gió. Vì vậy, sản xuất hồng treo gió gặp nhiều khó khăn và làm tăng tỷ lệ hao hụt lên đến 60 - 70%, thậm chí phải đổ bỏ toàn bộ do trái hồng treo trong nhà bị ẩm nên vi khuẩn và nấm xâm nhập làm trái hồng bị thối và tụt cuống, sùi bọt, đồng thời kéo dài thời gian sản xuất hồng treo gió. Vì vậy, để khắc phục vấn đề này, cần có giải pháp làm giảm độ ẩm trong không khí khi sản xuất hồng treo gió. Nhiều nông hộ đã sử dụng các biện pháp như thắp thêm đèn sưởi, sử dụng quạt nhưng hiệu quả vẫn không cao do đèn sưởi làm tăng nhiệt độ nhưng độ ẩm thì không giảm nhiều. Mặt khác, hơi nóng làm vỏ bên ngoài của trái hồng bị khô và cứng, sử dụng quạt chỉ tạo gió nhưng không khí vẫn ẩm, làm vỏ trái hồng bị cứng. 

Phương pháp sử dụng lưu huỳnh để xông hơi thì khá độc và rất tốn công, đem vào thùng xông rồi lại đem ra treo. Do đó, phương pháp sử dụng máy hút ẩm trong nhà treo hồng là phương pháp tối ưu hơn các phương pháp khác. Xuất phát từ thực tế đó, trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng thực hiện mô hình Sử dụng máy hút ẩm giảm hao hụt trong sản xuất hồng treo gió” tại xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt đã giúp bà con nông dân tiếp cận với phương pháp mới có hiệu quả cao. Mô hình được triển khai tại 02 hộ: ông Khổng Quyết Thắng, ông Thới Văn Sĩ ở thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường với quy mô 01 máy/100 m2 nhà treo hồng. Sau khi hệ thống máy hút ẩm được thiết kế, lắp đặt xong là đưa hồng vào treo ngay đầu vụ hồng năm 2021.

Qua theo dõi, đánh giá kết quả của nông hộ, khi sử dụng máy hút ẩm trong nhà treo hồng đã giúp các nông hộ giảm tới 60 - 70% tỷ lệ hao hụt do trái hồng bị nấm và vi khuẩn xâm nhập. Máy hút ẩm hoạt động theo chế độ cài đặt của nông hộ để độ ẩm trong nhà treo hồng luôn ở dưới 70%. Máy hoạt động hút hết ẩm trong nhà treo hồng, tạo ra nước để xả ra ngoài nên trong nhà treo hồng không còn hơi ẩm hồi lưu. Đồng thời, máy hút hơi ẩm không tạo gió thổi mạnh nên không làm cho trái hồng bị chai. Tùy theo thời tiết có thể cài đặt cho máy hoạt động, nếu ban ngày có mưa cả ngày thì cần bật máy liên tục làm giảm độ ẩm xuống dưới 70%. Nếu ban đêm có mưa nhỏ hoặc có sương mù thì thời gian sử dụng máy khoảng 5 tiếng đồng hồ vào ban đêm. Hoặc nông hộ có thể cài đặt để máy tự hoạt động bật tắt theo độ ẩm đã cài đặt.

Sử dụng máy hút ẩm trong nhà hồng treo gió tạo cho trái hồng sấy thành phẩm ngon, mềm, dẻo, đạt tỷ lệ thành phẩm rất cao trên 90%. Ngoài ra, sử dụng máy hút ẩm còn giảm công lao động để loại bỏ trái hồng bị hỏng, nếu tỷ lệ bị hỏng 60% thì mất khoảng 5 công để loại bỏ trái hồng bị hỏng đem đi đổ bỏ. Mặt khác, còn giảm chi phí tiền điện khoảng 200.000 đồng/tháng do không phải sử dụng quạt và đèn sưởi, tăng hiệu quả kinh tế trên 20% so với trước đây khi nông hộ chưa sử dụng máy hút ẩm.

Thành công bước đầu của mô hình sử dụng máy hút ẩm trong sản xuất hồng treo gió đã đem lại hiệu quả kinh tế cho các nông hộ tham gia, là cơ sở để nhân rộng mô hình ở các địa phương khác khi có nhu cầu sản xuất hồng treo gió và có thể nghiên cứu áp dụng ở mô hình khác trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Thuỳ - TTKN Lâm Đồng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Văn Tuận - Giám đốc Trung tâm

Top