Liên kết website

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

05162133
Hôm nayHôm nay3879
Hôm quaHôm qua4382
Tháng nàyTháng này60001
Tổng cộngTổng cộng5162133

Trong những năm gần đây, tình hình khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng bất thường. Do tác động của việc biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên và diễn biến trên diện rộng. Tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, hiện tượng khô hạn đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình sinh trưởng và phát triển của một số loại cây trồng chủ lực của từng địa phương và cả vùng miền.

Tại Lâm Đồng, bước vào mùa khô, gần như các ao hồ thủy lợi ở các huyện Di Linh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc cơ bản cạn kiệt nguồn nước. Nhằm giúp bà con nông dân nắm bắt những kiến thức mới trong việc hạn chế, khắc phục ảnh hưởng của tình hình khô hạn đối với cây trồng bà con nông dân cần lưu ý như sau:

1. Giải pháp quản lý chống lãng phí nguồn nước

- Bà con nông dân cần có ý thức tự giác sử dụng và bảo vệ nguồn nước hợp lý, chống lãng phí, gây thất thoát nước trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất nông nghiệp.

- Có thể khảo sát các ao hồ nước ngọt để dự phòng đưa vào tưới bổ sung kịp thời cho các diện tích sản xuất nông nghiệp khi xảy ra tình trạng thiếu nước.

2. Các giải pháp canh tác và sử dụng nguồn nước hợp lý

- Nên tạo bồn tủ gốc để tưới, làm cỏ cục bộ phá váng để tránh hiện tượng mao dẫn, gây ra hiện tượng bốc hơi nước rất lớn.

- Chủ động sử dụng rơm rạ, cỏ khô… hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán để hạn chế thoát hơi nước.

- Cần tuân thủ bón phân cân đối cho cây trồng, góp phần cho cây sinh trưởng khỏe mạnh, có khả năng chịu hạn rất tốt.

Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để thích ứng với điều kiện thời tiết khô hạn trong giai đoạn hiện nay là cần áp dụng đồng bộ các biện pháp tưới tiết kiệm nước. Kỹ thuật tưới tiết kiệm là kỹ thuật cung cấp nước hiệu quả, tùy vào nhu cầu thực tế của cây trồng trong các giai đoạn, điều kiện khác nhau mà cung cấp chế độ và lượng nước phù hợp, cung cấp chất dinh dưỡng trực tiếp vào vùng rễ hút của cây, hạn chế đến mức thấp nhất sự thất thoát nước ra khỏi vùng không kiểm soát của rễ cây.

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Nhựa nông nghiệp Tân Phước Hưng (Doanh nghiệp Nguyễn Tân) để tư vấn, cung cấp vật tư và lắp ráp các phương pháp tưới tiết kiệm. Đồng thời, tổ chức các cuộc tọa đàm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật tưới tiết kiệm cho cây trồng bằng 02 phương pháp chủ yếu như sau:

a. Tưới nhỏ giọt:

Tưới nhỏ giọt là phương pháp tưới có nguồn gốc từ Israel, hệ thống này cho phép nước tưới nhỏ từng giọt từ từ vào phần đất của rễ cây cần tưới thông qua hệ thống gồm nhiều thiết bị như: Van, đường ống dẫn nước, các loại đầu tưới nhỏ giọt hoặc dây nhỏ giọt...

Với lưu lượng nước rất thấp (từ 2-10 lít/giờ với một điểm nhỏ giọt), tưới nhỏ giọt còn các những ưu điểm như:

Tiết kiệm nguồn nước một cách tối đa

Lượng nước tưới hạn chế bị thất thoát hoặc bốc hơi; Hạn chế triệt để việc lá, thân, quả của cây trồng tiếp xúc với nước gây ra các bệnh nấm mốc; Phù hợp những nơi có nguồn nước sạch nhưng hạn chế, địa hình đồi dốc phức tạp, áp dụng cho các loại cây trồng không cần lượng nước quá cao trong một lần tưới…

b. Tưới phun mưa tại gốc

Tưới phun mưa tại gốc (hay còn gọi là tưới phun mưa cục bộ) là hình thức sử dụng các đầu béc tưới nhỏ được đặt cố định tại mỗi gốc cây thông qua hệ thống đường ống dẫn nước: Ống chính PVC, ống nhánh PE, ống nhỏ dẫn vào gốc… để tạo các tia nước tưới như phun mưa quanh dưới gốc.

Ưu điểm của hình thức này là: Tạo các hạt nước nhỏ, thấm đều nhưng vẫn không làm xói mòn đất như cách tưới truyền thống; Rút ngắn thời gian tưới, cung cấp đủ lượng nước đối với các loại cây ăn trái cần nhiều nước trong thời gian ra hoa tạo quả (30-200 lít/giờ/béc tưới).

Áp dụng được cho các khu vực nguồn nước không sạch tuyệt đối, cùng với đó là sử dụng được các loại phân, thuốc nông nghiệp không hòa tan hoàn toàn.

Việc lựa chọn và áp dụng hình thức tưới phù hợp của từng hộ nông dân còn tùy thuộc vào đặc điểm địa hình, nguồn nước, cơ sở hạ tầng, đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng… Do đó, vấn đề khảo sát, đánh giá hiện trạng ban đầu là rất quan trọng để áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm một cách hiệu quả nhất.

Khi tiết kiệm được nguồn nước tưới (hạn chế thất thoát, không tưới thừa nước, tưới hợp lý) chính là chúng ta đã đạt được hiệu quả kinh tế cao cho một đơn vị nước tưới. Do vậy, giải pháp tưới tiết kiệm nước không chỉ phù hợp cho vùng khan hiếm nước mà còn cho tất cả những nơi cần thiết, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước tưới, qua đó giảm đáng kể lượng phân bón tiêu thụ và công rải phân, tưới nước cho bà con nông dân trong thời đại canh tác nông nghiệp 4.0.

Thanh Sơn - TTKN Lâm Đồng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Tất Dương - Giám đốc Trung tâm

Top