Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay | 2306 | |
Hôm qua | 9154 | |
Tháng này | 55863 | |
Tổng cộng | 6398988 |
"Đại gia" bơ ghép cao sản
Sau nhiều lần chuyển đổi mô hình sản xuất thất bại, ông Nguyễn Văn Tắc (sinh năm 1960) ở tổ dân phố 1, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm đã tìm đến với cây bơ. Và chính loại cây trồng này mà mọi người biết đến tên tuổi “đại gia” bơ ghép cao sản Nguyễn Văn Tắc với lợi nhuận mỗi năm lên tới hơn tỷ đồng.
Cũng như nhiều nhà nông nuôi tham vọng làm giàu, ông Tắc đã nhiều lần chuyển đổi mô hình sản xuất từ thâm canh chè, cà phê, đến chung vốn nuôi bò, trồng cao su ở tận Đồng Nai… nhưng đều không thành công như mong muốn. Sau những lần làm ăn không thành, đúc rút được những bài học từ thất bại, ông Tắc trăn trở: “Tại sao không làm giàu ngay trên chính mảnh đất của gia đình và bằng những cây trồng được cho là lợi thế của địa phương”. Từ suy nghĩ đó, ông lên mạng và “tầm sư học đạo” khắp vùng, ông nhận thấy, cây bơ ghép đầu dòng 034 có thể mang lại cơ hội đổi đời. Với quyết tâm của bản thân và sự “đồng cam chịu khổ” của vợ con, 4ha đất đồi khô cằn đã từng khiến gia đình ông nhiều phen thất bại với cây chè, cà phê, dần dần được thay bằng những chồi non của giống bơ ghép cao sản 034. Miệt mài, cần mẫn đánh vật với đất cằn, sỏi đá một thời gian dài, cuối cùng “Trang trại bơ chất lượng cao Đức Mạnh” của ông Tắc ở thôn 1, xã Lộc Phú cũng nên hình, nên dáng với hơn 1.000 cây bơ giống vào cuối năm 2011.
Sau gần 4 năm chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năm 2015, với 4ha bơ ghép cho gia đình ông Tắc thu hoạch vụ đầu tiên, với sản lượng 20 tấn quả và 400.000 mầm ghép cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh. Theo hạch toán của ông Tắc, với sản lượng bơ trái và chồi ghép nêu trên mang lại doanh thu cho gia đình ông gần 1,4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt được gần 800 triệu đồng. Dự tính năm 2016, trang trại bơ ghép này sẽ cho gia đình ông Tắc sản lượng 30 tấn quả chính vụ với giá hiện nay 45.000 đồng/kg, 10 tấn quả trái vụ (80.000 đồng/kg) và 500.000 mầm ghép (15.000 đồng/chồi) thì tổng doanh thu đạt trên 2,6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí mang lại 1,8 tỷ đồng lợi nhuận.
Khi được hỏi thâm canh bơ ghép so với cây chè, cà phê và các loại cây khác dễ hay khó hơn? Ông Tắc tự tin bảo rằng: Dễ hơn rất nhiều, bởi bơ ghép rất phù hợp với địa hình đất đồi, khô cằn và chỉ bị bệnh bọ xít, chứ không bị các loại bệnh về thân và rễ như chè, cà phê và các loại cây ăn trái khác. “Với lại, tôi đã có kinh nghiệm trong việc tưới nước, bón phân (phân hữu cơ trộn với vỏ cà phê ủ vào gốc), ghép chồi, tạo tán, nên bơ phát triển rất tốt, cho năng suất cao” - ông Tắc nói thêm. Về thị trường tiêu thụ, theo ông Tắc khẳng định, dù có phát triển cây bơ đến đâu cũng vẫn không lo thị trường tiêu thụ, bởi hiện nay không đủ sản lượng cung cấp cho thị trường nội địa, nhất là các siêu thị ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, chưa nói đến tiềm năng thị trường nước ngoài rất lớn. Vì ngoài việc cung cấp thực phẩm, bơ còn là nguyên liệu quý của công nghệ sản xuất mỹ phẩm, thuốc bổ… Nắm bắt được điều đó, nhiều nhà nông trong tỉnh và các tỉnh Đồng Nai, Đắc Lắc, Đắc Nông đặt hàng số lượng lớn mầm bơ ghép với ông Tắc. Thậm chí không đủ số lượng cung cấp, nên hiện gia đình ông phải thuê đất ươm mầm ghép tại các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông.
Hiện, Trang trại bơ chất lượng cao Đức Mạnh, ngoài việc giải quyết công ăn việc làm ổn định, thường xuyên cho 5 công nhân, với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng và bao ăn ở, ông Nguyễn Văn Tắc còn rất sẵn lòng giúp đỡ những nhà nông muốn thâm canh bơ. Ông cũng sẵn sàng chia sẽ kỹ thuật ghép cành, ươm giống, chăm sóc, tạo tán, phòng trừ bệnh và kỹ thuật thâm canh, thu hoạch bảo quản bơ trái, tiếp xúc thị trường tiêu thụ… cho nhiều người khi liên hệ với ông.
Hoàng Đại Huynh (Nguồn: baolamdong.vn)