Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay | 2627 | |
Hôm qua | 9154 | |
Tháng này | 56184 | |
Tổng cộng | 6399309 |
Cha, con và giấc mơ ca cao
Tại trụ sở của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức ở Định Quán, Đồng Nai, chúng tôi tình cờ gặp cô Kyoko Nakamura, một doanh nhân người Nhật, đang tìm hiểu các sản phẩm chocolate Bungo do công ty này sản xuất.
Những thanh chocolate nhỏ nhắn, chỉ 25 gam nhưng có nhân dừa, hạt điều khiến cô Nakamura luôn miệng trầm trồ:“sugoi”(tuyệt vời),“oishii”(ngon). Cô ngỏ ý muốn phân phối độc quyền chocolate Bungo tại xứ sở hoa anh đào: “Với chất lượng bột ca cao thế này, tôi tin Bungo hoàn toàn có thể được ưa chuộng tại Nhật”, cô nói.
Đối với một dòng sản phẩm ra đời chưa đầy ba tháng thì đây là một lời động viên rất lớn dành cho anh Đặng Tường Khanh - vị giám đốc trẻ của Công ty Trọng Đức, cũng như cho người cha của anh là ông Đặng Tường Khâm - người đã dày công nghiên cứu, sáng tạo hơn chục dòng sản phẩm ca cao cho công ty này.
Từ giấc mơ của người cha
Năm 2005, ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” ông Khâm mới bước chân vào lĩnh vực ca cao. Vị bác sĩ già này nghĩ: “Thấy sức khỏe còn làm được gì thì làm”, và ông đã làm một cách bài bản, quyết liệt.
Năm 2006, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức được thành lập. Với chủ trương chủ động vùng nguyên liệu cho việc chế biến sản phẩm, từ vài hécta ca cao của gia đình, ông Khâm đã liên kết với nông dân ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận mở rộng vùng nguyên liệu lên 1.000 hécta vào năm 2010. Ông Khâm đã dành phần lớn số tiền tích lũy để mua cây giống, sau đó bán lại cho nông dân với giá 6.000 đồng/cây. Nông dân chỉ phải trả trước một nửa, nửa còn lại sẽ trả sau khi thu hoạch. Tuy nhiên do diện tích trồng ca cao tăng quá nhanh, đội ngũ kỹ thuật không đủ đáp ứng việc tư vấn cho nông dân khiến cây phát triển không như mong đợi, cộng với sự lên ngôi của các cây công nghiệp khác như điều, tiêu, người dân đã chặt bỏ cây ca cao.
Cuối năm 2012, diện tích vùng nguyên liệu giảm hơn 700 hécta. Năm 2015, Trọng Đức quyết định xóa nợ hoàn toàn tiền bán cây giống cho nông dân.
Giờ đây, khi nhìn lại sự việc này, ông Khâm xem đó như một sự “vấp váp” mà người làm kinh doanh phải trải qua. Rồi ông nhẹ nhàng nói tiếp về giấc mơ của ông - giấc mơ về một tập đoàn ca cao ở vùng Đông Nam bộ, nơi người nông dân sẽ được sở hữu cổ phần và là những người chủ thực sự của tập đoàn.
Ông kể: “Khi tôi hỏi nhiều nông dân rằng nếu hàng năm, mỗi hécta ca cao sinh lời 80 triệu đồng thì các anh có mua cổ phần của công ty không, câu trả lời là có!”, và ông cho biết giá bao tiêu của công ty hiện nay đảm bảo nông dân đạt lợi nhuận 80-100 triệu đồng/hécta”.
Để đảm bảo có giá bao tiêu tốt như vậy, Trọng Đức đã định hướng chế biến những sản phẩm ca cao có giá trị gia tăng chứ không xuất thô hạt ca cao. “Nông nghiệp phải gắn với chế biến nếu muốn làm chủ”, ông Khâm nhận định. Ông cho biết cứ 10 tấn ca cao tươi sẽ cho 1 tấn hạt khô. Nếu đem xuất thô có thể thu về 72 triệu đồng, và đó là tất cả giá trị thu được. Nhưng nếu đem ép cơm ca cao sẽ thu được 500 ký (ki lô gam) nước cốt ca cao. Một ký có thể làm 20 chai rượu (loại 750 mililít) bán với giá 160.000 đồng/chai, tương ứng sẽ thu được 1,6 tỉ đồng, giá trị tăng không nhỏ. Chưa kể vỏ ca cao còn có thể chế biến thành phân hữu cơ, giá thể hoặc vật liệu thủ công mỹ nghệ.
Con trai nối nghiệp
Năm nay, ông Khâm bước vào tuổi 84, việc điều hành kinh doanh của công ty đã do con trai ông là anh Đặng Tường Khanh đảm trách từ năm 2010 vào thời điểm Trọng Đức gặp nhiều khó khăn. Cảm được tâm huyết của cha, anh Khanh từ một người không biết gì về ca cao, dần dà hiểu rõ từng giống cây, từng loại bệnh. Càng ngày anh càng hiểu vì sao người ta gọi ca cao là Theobroma mà theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “thực phẩm của các vị thần”. Đó là bởi từ ca cao, người ta có thể làm ra vô số thứ, từ mật ca cao đến rượu vang, bột ca cao, chocolate...
Hiểu rồi thì anh bắt đầu đam mê cây ca cao. Từ nửa cuối năm 2014, anh Khanh đã có 14 tháng liên tục làm việc miệt mài với người Nhật. Kết quả là Công ty Kenkyusho - liên doanh giữa Trọng Đức với một doanh nghiệp Nhật, được thành lập vào tháng 8-2015 tại Singapore, trong đó, Trọng Đức chuyên về nguyên liệu và sản xuất, người Nhật sẽ lo mảng thị trường. “Tôi rất kỳ vọng vào sự hợp tác này, bởi khi có đầu ra ổn định, công ty có thể thu mua ca cao của nông dân với giá tốt hơn. Ngoài ra, đó cũng là cánh cửa để thế giới biết đến ca cao Việt Nam với tư cách là một nhà sản xuất chocolate chứ không đơn thuần là một quốc gia xuất khẩu thô hạt ca cao”, anh tâm sự.
Đến tháng 3-2016 tới đây, những thanh chocolate đầu tiên của Kenkyusho sẽ được đưa ra thị trường. Và để san sẻ niềm vui này với nông dân, Trọng Đức quyết định thí điểm bao tiêu sản phẩm suốt cả năm cho một số hộ nông dân tại Đồng Nai với giá 6.000 đồng/ký ca cao tươi - cao hơn giá thị trường khoảng 1.000 đồng/ký.
Trong thỏa thuận này, công ty trả cho nông dân 5.500 đồng, tạm giữ lại 500 đồng để dùng vào việc đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến các sản phẩm gia tăng giá trị ca cao. Với cam kết không bán sản phẩm ra bên ngoài và canh tác đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của công ty, sau sáu tháng hoặc một năm, nông dân sẽ được hoàn lại số tiền này. Anh Khanh giải thích: “Việc này giống như nông dân hùn vốn làm ăn với công ty. Khi công ty có vốn đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thu mua nhờ đó cũng tăng lên. Đồng thời, cam kết này sẽ giúp mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chặt chẽ hơn”.
Động tác trên chính là bước khởi đầu chuyển tiếp để nông dân trở thành cổ đông của công ty khi Trọng Đức cổ phần hóa dự kiến trong năm 2016 này. Việc cổ phần hóa còn nhằm tìm kiếm những đối tác có cùng tầm nhìn, giúp công ty có đủ lực để đi xa.
Cái tầm nhìn mà anh Khanh đề cập chính là xây dựng một tập đoàn ca cao minh bạch, bền vững, của nông dân, vì nông dân, nơi lợi ích của nông dân được đặt lên trên hết, để hiện thực hóa giấc mơ mà cha anh đã đặt những viên gạch đầu tiên.
Con đường phía trước...
Nền móng đã có, nhưng để xây dựng nên một thương hiệu vững bền, Trọng Đức cần nhiều hơn thế.
Năm 2014, doanh thu (chủ yếu từ xuất khẩu thô) của công ty là 8 tỉ đồng. Con số này đã tăng gấp đôi trong năm 2015 nhờ đa dạng sản phẩm và gia tăng giá trị với 11 chủng loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn UTZ. Tuy vậy, hiện chỉ có 10% ca cao được giữ lại để chế biến, 90% vẫn được xuất thô. Sản phẩm giá trị cao vẫn chiếm tỷ lệ thấp khiến anh Khanh sốt ruột, bởi cảm giác đã biết rõ hướng đi nhưng lại chưa đủ sức bước nhanh, bước mạnh. Khi cô Nakamura đặt vấn đề muốn mua 100 ký chocolate hiệu Bungo, công ty chỉ có thể cung cấp một nửa số đó. Điều này làm anh không khỏi áy náy và tiếc nuối: “Dây chuyền của chúng tôi hiện chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Quan trọng nhất vẫn là thiếu vốn”. Thách thức phía trước của Trọng Đức là khả năng đáp ứng những đơn hàng lớn đòi hỏi khắt khe về chất lượng và thời gian giao hàng.
Thực tế, sau những thành quả đạt được, Trọng Đức đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn thời gian đầu, bao gồm cả sự quan tâm của chính quyền địa phương. Tháng 4-2015, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt dự án “cánh đồng lớn hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ca cao trên địa bàn huyện Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú, tỉnh Đồng Nai”, trong đó Trọng Đức là đối tác chính của các hợp tác xã ca cao địa phương. Một đề án với 830 hécta ca cao trồng xen canh với điều, tổng vốn đầu tư từ nhiều nguồn dự kiến hơn 352 tỉ đồng sẽ là sự hỗ trợ vốn và sự đảm bảo vùng nguyên liệu cho Trọng Đức, đồng thời, tạo thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, đã gần một năm trôi qua, dự án này vẫn... nằm trên giấy. Công ty Trọng Đức hiện vẫn phải tự xoay trở tìm con đường phát triển.
Có thể thấy những hạt giống được ươm tạo từ hơn 10 năm trước nay đã nảy mầm xanh, nhưng quá trình để cây phát triển và trở nên vững chãi là cả một con đường còn ở phía trước...
Nguồn: thesaigontimes.vn