Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay | 2688 | |
Hôm qua | 9154 | |
Tháng này | 56245 | |
Tổng cộng | 6399370 |
Đi đầu với mô hình nuôi chim cút
Xã Tân Thành, huyện Đức Trọng được biết đến là một xã có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông; người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nuôi tằm và chuyên canh cà phê. Thế nhưng trước tình trạng bất ổn giá của cà phê hiện nay, nhiều nông hộ đã chuyển đổi vật nuôi, cây trồng bằng cách lấy ngắn nuôi dài.
Gia đình chị Trần Ngọc Lam ở thôn Tân Hưng, xã Tân Thành là những người đi đầu với mô hình nuôi chim cút, một mô hình mới của xã Tân Thành thời gian qua.
Là một trong những nông dân trẻ của xã Tân Thành, bên cạnh trồng cà phê, vợ chồng chị Trần Ngọc Lam luôn chủ động tìm những hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Bắt đầu từ việc tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các hộ nuôi chim ở thành phố Bảo Lộc, tháng 9/2015, gia đình chị Lam đã mạnh dạn đưa chim cút về nuôi thử nghiệm tại vùng đất Tân Thành. Mặc dù những ngày đầu còn e ngại vì hướng đi còn quá mới này tại xã, nhưng bằng quyết tâm và sự kiên trì, gia đình nông dân trẻ Trần Ngọc Lam đã chứng minh nghề nuôi chim cút vẫn có thể phát triển trên vùng đất xưa nay được ưu tiên để phát triển cà phê. Chị Lam cho biết: “Những ngày đầu mang chim cút về nuôi, do thiếu kinh nghiệm nên một số chết vì bệnh hoặc do hoảng sợ người mà đập đầu chết. Dù vậy, chúng tôi không bỏ cuộc mà thay vào đó hai vợ chồng học hỏi thêm những người có kinh nghiệm cũng như tìm hiểu thêm các loại bệnh mà chim cút dễ mắc phải để phòng bệnh cho chim”.
Với số vốn 200 triệu đồng, chị Lam đã mua 5.000 con chim giống từ tỉnh Đồng Nai, đồng thời đầu tư xây dựng chuồng trại. Chị Lam cho biết, nuôi chim cút phải đảm bảo chuồng trại thật sạch sẽ, không gian nuôi phải thông thoáng, không ẩm thấp để tránh dịch bệnh. Việc cho chim ăn phải đều đặn và đúng giờ, nếu không sẽ ảnh hưởng tới chu kỳ đẻ trứng của chim. Từ khi sinh ra tới lúc đẻ trứng chỉ tầm 50 ngày và thời gian cho trứng chỉ khoảng 7 đến 8 tháng là thay đàn mới. Mỗi ngày, đàn chim cút của gia đình chị Lam cho thu hoạch khoảng 4.500 trứng, mang về cho gia đình chị lợi nhuận từ 300 - 400 ngàn đồng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Theo chị Lam, cà phê vẫn là thu nhập chính của gia đình lâu nay, việc nuôi chim cút là để kiếm thêm thu nhập trong những lúc rảnh rỗi và có thêm vốn đầu tư cho vườn cà phê của gia đình. Tuy là việc kiếm thêm nhưng sau khi nhận thấy nguồn lợi từ trang trại nuôi chim cút, gia đình chị dự định sẽ phát triển đàn chim cút với số lượng lớn hơn để cung cấp trứng cho bà con. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, huyện Đức Trọng thì đây là một mô hình mới phát triển trên địa bàn xã, mang lại thu nhập ổn định cho bà con những lúc nông nhàn. Ngoài việc khuyến khích bà con phát triển, nhân rộng mô hình nuôi chim cút; trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục đưa những mô hình sản xuất mới, thiết thực đến với bà con nông dân để góp phần giữ vững và phát triển kinh tế gia đình.
Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đối với bà con nông dân xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, mô hình nuôi chim cút dường như còn khá xa lạ. Vì vậy, vai trò của Hội Nông dân xã và các ngành chức năng trong việc cung cấp cho nông dân những kiến thức cơ bản về điều kiện thời tiết, khí hậu cũng như kỹ thuật nuôi chim cút trên địa bàn xã là vô cùng cần thiết, giúp nông dân an tâm khi chuyển đổi mô hình sản xuất.
Phan Nhân (nguồn: baolamdong.vn)