Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay | 2390 | |
Hôm qua | 9154 | |
Tháng này | 55947 | |
Tổng cộng | 6399072 |
Mô hình giá đỗ sạch làm từ nước vôi trong
Giá đỗ là món ăn phổ biến được người Việt ưa chuộng vì giá đỗ chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, không những chứa hàm lượng cao protein, vitamin C, acid folic, enzyme, giá đỗ ngày nay còn được sử dụng trong ăn kiêng.
Giá đỗ đang được xem là một chất dinh dưỡng có thể ngăn ngừa ung thư do trong thành phần có những enzyme có thể kháng lại tác nhân gây ung thư carcinogens. Ngoài ra, giá đỗ còn tăng cường miễn dịch vì có chứa một số enzyme có hoạt tính chống oxy hóa (antioxidants).
Hiện nay, việc sản xuất giá sạch đang được khuyến khích nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng trong bối cảnh nguồn thực phẩm rau xanh đang có nguy cơ sử dụng nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo chân anh Nguyễn Vũ Lực - Khuyến nông viên xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, ghé thăm gia đình ông Nguyễn Văn Huy trú tại thôn 5, xã Gia Lâm. Khi đặt chân vào cổng, chúng tôi đã ngửi được mùi thơm thoang thoảng của giá đỗ rất dễ chịu. Theo ông Huy cho biết gia đình ông làm giá đã được hơn 15 năm (bắt đầu làm từ năm 2000), ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, hàng ngày đi giới thiệu bán cho các mối lẻ 3 lu giá mỗi ngày. Dần dần giá đỗ của gia đình ông làm ra được thị trường chấp nhận và lựa chọn nên đến nay đầu ra đã ổn định, mỗi ngày ông xuất 1,7 tạ giá cho các mối bán buôn ở các chợ tại thị trấn Nam Ban và xã Gia Lâm. Với giá bán ổn định 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày gia đình ông thu lời từ 400.000 - 500.000 đồng đã giúp cho gia đình ông có được cuộc sống ổn định hơn.
Để làm ra những cọng giá sạch, chất lượng theo ông Huy đầu tiên phải chọn những loại đậu có chất lượng tốt. Các loại đậu ông lấy gồm đậu tiêu Thành Đại, đậu Use Malaysia, đậu Buôn Ma Thuột… loại 1, có giá 35.000 - 42.000 đồng/kg. Với kinh nghiệm hơn 15 năm trong nghề, ông cho biết: “Vì chạy theo lợi nhuận nên nhiều nơi làm giá đã sử dụng thuốc kích thích trong lúc ngâm đậu và tưới nước. Tuy làm vậy sẽ cho cây giá béo mập, trắng sáng, đều... nhưng vị giá nhạt và ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Để giữ uy tín, giá của gia đình tôi làm không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, tôi chỉ sử dụng nước lọc của vôi tôi dùng để ngâm đậu. Nước tưới cho giá phải là nước sạch, không có tạp chất, gia đình tôi dùng nước giếng khoan qua hệ thống lọc để tưới cho giá hàng ngày. Có như vậy, cây giá mới đảm bảo sạch, ngọt, giòn và giữ được mùi thơm của đậu”.
Được biết chất lượng, thời gian và lượng nước tưới giá mỗi ngày là một trong những yếu tố quan trọng quyết định giá ngon hay dở. Chỉ cần quên một lần cho giá “uống nước” xem như mẻ ấy bị hỏng; khi ủ tuyệt đối tránh nắng, gió trực tiếp để giá không bị xanh. Tuy nghề làm giá không nặng nhọc nhưng lại đòi hỏi phải khéo tay, cẩn thận. Mỗi ngày, vợ chồng ông Huy phải thức dậy từ 2 giờ sáng để thu hoạch giá, sàng giá loại bỏ vỏ đậu và đóng bịch. Nhờ tự cải tiến máy sàng lọc giá nên giúp gia đình ông đỡ tốn công rất nhiều. Chia sẻ với chúng tôi về nghề làm giá, ông Huy nói: Quy trình làm giá đỗ rất đơn giản, đầu tiên chọn mua giống đậu chất lượng cao. Đậu rửa sạch, ngâm nước, kích thích đậu nảy mầm, sau 3-4 giờ đậu nở, vớt ra, xả sạch một lần nữa, để đậu ráo nước. Dùng hũ hoặc lu để đựng đậu, đậy kín lu bằng vải cotton, châm nước vôi trong đến khi đậu nảy mầm (1 ngày). Sau đó châm nước sạch (nước giếng khoan), mỗi ngày tưới nước từ 4-5 lần, thời gian ủ khoảng 4-5 ngày là cho ra thành phẩm giá sạch.
Hiện nay, trên địa bàn xã Gia Lâm, không chỉ gia đình ông Huy sản xuất giá sạch tại địa phương mà một số hộ gia đình ở đây cũng đang trong quá trình phát triển sản xuất nghề trồng giá. Tuy nhiên, nghề làm giá sạch ở đây vẫn đang phát triển tự phát, chưa có sự vào cuộc từ phía chính quyền địa phương để quản lý, hỗ trợ vốn sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Vì vậy, ông mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương để quảng bá rộng rãi thương hiệu giá sạch của gia đình ông đến với người tiêu dùng, qua đó mở rộng quy mô sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng