Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay | 2363 | |
Hôm qua | 9154 | |
Tháng này | 55920 | |
Tổng cộng | 6399045 |
Phát triển nghề chăn nuôi bò sữa ở Bình Thạnh
Từ ngàn xưa đến nay, con trâu, con bò gắn liền với người nông dân Việt Nam, con trâu đi trước cái cày đi sau, đó là hình ảnh đẹp của làng quê Việt Nam. Dần dần máy móc về thay thế, con bò, con trâu cũng được an nhàn, người nông dân không phải ngày đêm bì bõm dưới cánh đồng, ngược lại họ được tự tay điều khiển sức kéo bằng máy móc và trí tuệ của mình, hiệu quả lao động cao, năng suất, sản lượng ngày một tăng.
Cũng từ đó, trâu bò được chăn nuôi để lấy thịt, lấy sữa, phục vụ nhu cầu cho con người, đặc biệt là bò sữa được chăm sóc ưu ái hơn, bởi nó được tạo hóa ban tặng cho một dòng sữa vô tận, để phục vụ cho các thế hệ con người từ các cụ già, đến trẻ thơ.
Từ năm 2012, toàn xã Bình Thạnh chỉ có 15 con bò sữa nhưng đến nay đã có gần 300 con. Góp phần vào sự phát triển đàn bò sữa của xã Bình Thạnh phải kể đến gia đình anh Trần Thanh Tân ở thôn Thanh Bình 1, xã Bình Thạnh, anh đã mạnh dạn phá bỏ vườn phê già cỗi năng suất thấp chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi bò sữa. Cũng như nhiều gia đình ở xã, từ ăn uống, mọi thứ sinh hoạt, nuôi con ăn học cũng nhờ cây cà phê, dần dần theo thời gian đất chật người đông cây cà phê cũng trở nên già cỗi, cho năng suất thấp, chi phí đầu tư ngày càng cao, sản lượng thấp, giá thành hạ. Trước tình hình đó, xã phát động xây dựng nông thôn mới, được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn giúp nhân dân phát triển kinh tế gia đình xây dựng xã nông thôn mới. Anh Tân đã tự đi tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm từ các hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương về kỹ thuật chăn nuôi, cách xây dựng chuồng trại, rồi con giống. Cái khó của nghề chăn nuôi bò sữa đó là đầu ra cho sản phẩm sữa, giống bò lại cao 70-80 triệu đồng 1 con bò đang cho sữa. Với quyết định của anh, vợ con của anh rất lo, nếu anh thất bại, kinh tế gia đình sẽ lâm vào cảnh khó khăn, các con đang đi học. Nhưng anh lại nghĩ khác, nếu không có hướng thoát thì sau vài năm nữa khi cây cà phê quá già cỗi gia đình cũng sẽ rất khó khăn, càng nghĩ anh càng quyết tâm, nghiên cứu sách vở cùng với sự chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng đã tạo thêm động lực cho anh. Anh quyết định vay thêm vốn ngân hàng cộng với số tiền vốn của gia đình, mua 4 con bò với giá 285 triệu, và làm đơn đăng ký hợp đồng bán sữa cho Công ty sữa cô gái Hà Lan. Đến nay, sau 3 năm chăn nuôi bò sữa gia đình anh đã có 12 con bò trong đó có 7 con đang cho sữa, trung bình mỗi ngày khoảng 140kg sữa, với giá sữa 13.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận thu được 1,4 triệu đồng/ngày.
Ngoài ra, anh còn tận tình giúp đỡ một số hộ nông dân muốn đầu tư chăn nuôi bò sữa từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc cho đến cách xây dựng chuồng trại,…trong những buổi sinh hoạt ở thôn anh cũng đã tuyên truyền mô hình chăn nuôi bò sữa, anh nói muốn vườn cà phê xanh tốt trở lại nên chăn nuôi bò sữa, vừa có thu nhập hàng ngày và có phân chuồng để chăm bón cho vườn cà phê, khi bò đẻ nếu bò mẹ đẻ bê cái ta đã có 20 triệu/1 con bê.
Anh Tân tâm sự: Hiện trên toàn xã Bình Thạnh có gần 300 con bò sữa, trong tương lai còn phát triển đàn nhanh hơn nữa nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay, ngày 2 lần người dân phải chở sữa ra Bồng Lai cách trên 15km để giao sữa vì trên địa bàn xã chưa có điểm thu mua sữa.
Thấy được hiệu quả của việc chăn nuôi bò sữa, bà con trong thôn đã làm theo anh. Cách làm của anh nhanh chóng được lan nhanh ra toàn xã, bởi hiệu quả kinh tế thiết thực, đây là mô hình có thể lấy ngắn nuôi dài, biến không thành có, để rồi nhân rộng, nhiều gia đình nghèo được các tổ chức, ngân hàng cho vay vốn để phát triển sản xuất, một nghề mới cho bà con trong xã được nhân rộng và mong muốn có một điểm thu mua sữa tại xã của anh Tân nói riêng và bà con chăn nuôi bò sữa nơi đây nói chung là hoàn toàn thiết thực cần sự quan tâm của Công ty và chính quyền địa phương để người chăn nuôi đỡ vất vả.
Mộng Thu - KNV xã Bình Thạnh