Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay | 2411 | |
Hôm qua | 9154 | |
Tháng này | 55968 | |
Tổng cộng | 6399093 |
Lâm Hà: Hiệu quả kinh tế từ mô hình Vườn - Ao - Chuồng
Anh Vũ Đình Luyến ở thôn 6, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà là một điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở xã, thu nhập của gia đình hàng năm gần nửa tỷ đồng từ việc phát triển mô hình Vườn - Ao - Chuồng (V.A.C).
Năm 2003, gia đình anh mua được khu đất gần 7 sào từ một người thân giới thiệu. Khu đất lúc đó do chủ cũ bỏ hoang gần như không có thu hoạch, cỏ gai mọc khắp nơi, nhờ sự kiên trì tâm huyết và cần cù lao động, anh đã cải tạo thành ao thả cá và chuồng trại chăn nuôi heo. Cách đầu tư của anh là lấy ngắn nuôi dài, những năm đầu tiên anh xây chuồng trại nuôi heo thịt để có nguồn thu trong thời gian ngắn. Khi đàn heo cho nguồn thu khá, anh đã mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi cá, mở rộng chuồng trại để phát triển đàn heo. Sau gần 10 năm chăn nuôi có hiệu quả, với số tiền gia đình anh tích góp được, anh đã quyết định mua đất xung quanh và đã mở rộng diện tích lên 2 ha để phát triển trồng dâu nuôi tằm, trồng cà phê và ổn định sản xuất cho đến nay. Nông trại 2 ha của gia đình anh gồm 550 m2 diện tích chuồng trại nuôi heo, hơn 1 ha cà phê, ao nuôi cá rộng gần 3.000m2, còn lại trồng dâu nuôi tằm. Với tiêu chí phát triển sản xuất “trên chuồng, dưới ao, vườn bao quanh”, anh đã hình thành nên mô hình VAC hoàn toàn khép kín.
Với mô hình VAC khép kín, diện tích chuồng trại 550m2 anh mở rộng chăn nuôi thành 2 khu: Khu nuôi heo nái sinh sản, heo con và khu nuôi heo thịt. Với 20 đầu heo nái, trung bình mỗi năm sinh ra gần 500 heo con, số heo con sinh ra được anh vỗ béo nuôi bán thịt. Với sự am hiểu về thú y, anh làm mọi công việc của một bác sỹ thú y từ tiêm chích cho heo bệnh đến đỡ đẻ, chăm sóc, phòng bệnh cho heo nên số heo được sinh ra hầu như được anh chăm sóc khỏe mạnh. Từ 500 con heo thịt mỗi năm trừ hết chi phí, lợi nhuận thu được từ 270-300 triệu đồng. Ngoài việc nuôi heo, anh còn kết hợp nuôi cá với diện tích gần 3.000m2 mặt nước, nuôi đủ các loại cá: trắm, chép, trôi, mè… tận dụng nguồn phân thải của heo làm tăng thêm lượng thức ăn cho cá, tiết kiệm được chi phí thức ăn. Mỗi năm anh thu hoạch 2 lần vào tháng 4 và tháng 9, trừ chi phí mỗi năm anh thu được gần 60 triệu đồng. Từ nguồn phân chuồng dồi dào, anh học hỏi phương pháp ủ phân để làm phân bón cho hơn 1 ha cà phê. Vườn cà phê của anh đang bước vào năm thứ 4, với sản lượng 2 tấn nhân (năm 2014), mang lại cho gia đình anh gần 70 triệu đồng/năm. Với diện tích đất còn lại, anh đầu tư trồng 1.500m2 giống dâu siêu cành G7 anh lấy từ người quen Bảo Lộc để nuôi 2 hộp tằm (tằm tuổi 4). Sau 2 tháng nuôi, anh xuất được 90 kg cho thương lái, với giá bán ổn định 100.000 đồng/kg, trừ tiền mua giống 800.000 đồng/hộp thì mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình anh thêm gần 45 triệu đồng từ việc trồng dâu nuôi tằm. Như vậy, tổng thu nhập từ mô hình V.A.C khép kín “trên chuồng, dưới ao, vườn bao quanh” đã mang lại cho gia đình anh Luyến bình quân mỗi năm trên 450 triệu đồng.
Chia sẻ về hiệu quả mô hình sản xuất, anh Luyến cho biết: “Trong chăn nuôi, trồng trọt cần phải chăm sóc và tuân thủ theo quy trình sản xuất, thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng cho đàn heo. Với kiến thức được hướng dẫn trong các lớp tập huấn, tôi đã áp dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi, nhờ vậy trong thu nhập sau khi trừ chi phí sản xuất, hàng năm gia đình tôi thu được lợi nhuận trên 450 triệu đồng. Đến nay, nhờ thực hiện tốt mô hình này nên kinh tế gia đình tôi đã ổn định hơn trước”. Không chỉ là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, anh Vũ Đình Luyến còn là một thôn Đội trưởng nhiệt tình, luôn tham gia các hoạt động xã hội do xã và thôn phát động, sẵn sàng hướng dẫn chia sẻ kinh nghiệm cho bà con về kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi.
Nhận xét về mô hình kinh tế của anh Luyến, anh Nguyễn Vũ Lực - Khuyến nông viên xã Gia Lâm, cho biết: “Anh Luyến là một nông dân cần cù và sáng tạo, từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, đạt hiệu quả không cao, qua tích lũy vốn và kiến thức, anh đã mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình nông trại V.A.C khép kín. Anh là một điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở xã, mặc dù tuổi đời còn khá trẻ”.
Hiện anh Luyến đang tham gia tổ VietGAPH heo sạch tại địa phương, trong thời gian tới, anh mong muốn sẽ liên kết với các thành viên trong tổ để thành lập HTX chăn nuôi heo theo hướng VietGAHP nhằm khẳng định được thương hiệu, cung cấp sản phẩm thịt heo sạch cho người tiêu dùng. Có thể nói, với nguồn lợi đất đai thổ nhưỡng, khí hậu ưu đãi, đây là mô hình hiệu quả cần được nhân rộng trên địa bàn huyện Lâm Hà nói chung và xã Gia Lâm nói riêng nhằm mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng