Liên kết website
Thống kê truy cập








![]() | Hôm nay | 624 |
![]() | Hôm qua | 2729 |
![]() | Tháng này | 40388 |
![]() | Tổng cộng | 7185977 |
Chị là một nữ nông gia yêu nghề
Qua nhiều năm canh tác rau theo phương pháp truyền thống, rồi nhận thấy những bất lợi từ phương pháp này, cây rau trồng trên đất qua nhiều năm canh tác không còn an toàn, sâu bệnh nhiều, sử dụng phân và hóa chất bảo vệ thực vật nhiều, thu hoạch lại dính đất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,
nếu làm sạch thì nhiều loại rau ăn lá không để được lâu, dễ bị thối trong quá trình vận chuyển. Trước những khó khăn trên, chị Huệ - chủ trang trại sản xuất rau Kim Bằng đã từng bước chuyển đổi và học hỏi công nghệ, sản xuất rau theo hướng công nghệ cao và trồng rau theo hướng thủy canh.
Trên con đường vào Langbiang, dừng chân ở Phước Thành, phường 7, cách trung tâm Tp. Đà Lạt khoảng 14 km, hỏi trang trại Kim Bằng ai cũng biết. Gặp chị Huệ - Chủ nhân trang trại, nếu không nói chị Huệ - chủ trang trại thì không ai biết bởi chị lúc nào cũng trang phục lao động và làm trực tiếp như những công nhân ở đây.
Trên 20 năm gắn bó với nghề trồng rau, chị đã trở thành một nữ nông gia thực thụ với nhiều kinh nghiệm, từ việc trồng các loại rau phổ thông đến trồng các loại rau củ đặc thù, gia vị được nhập giống từ nước ngoài về để trồng cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn có nhu cầu chế biến các món ăn Tây. Trước nhu cầu ngày càng lớn, sản phẩm của trang trại không đủ cung cấp cho thị trường. Nhận thấy được nhu cầu ngày càng tăng các sản phẩm rau gia vị và sản phẩm rau đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho thị trường, chị đã đầu tư xây dựng trang trại sản xuất rau màu khép kín từ đầu vào đến đầu ra, từ khâu sản xuất giống đến phân phối sản phẩm tận người tiêu dùng. Đến nay, với diện tích gần 5ha, trồng trên 80 loại rau ăn lá, củ, quả và rau gia vị các loại. Với mong muốn ngày càng đáp ứng nhu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường, sản phẩm tạo ra một phân khúc thị trường riêng biệt. Chính từ suy nghĩ đó mà chị Huệ đã đầu tư trồng rau theo phương pháp thủy canh để tạo ra nông sản sạch, bán được giá dù đầu tư ban đầu khá tốn kém. Theo tính toán của chị, canh tác rau thủy canh: trên cùng một diện tích đất, đầu tư trồng rau thủy canh sẽ tốn kém hơn trồng rau trên giá thể khoảng 40% do chi phí nhập giống, thiết bị chất lượng cao và chi phí đầu tư khác để có được sản phẩm chất lượng.
Để trồng thủy canh chị đã đầu tư nhà kính kiên cố, xây dựng hệ thống xử lý lọc nước tuần hoàn và hệ thống máng trồng cũng được nhập loại hàng chuyên cho sản xuất thủy canh, ống dẫn dinh dưỡng đầu vào và thu gom đầu ra. Ở đây chị chuyên trồng các loại rau xà lách vì vậy công thức dinh dưỡng được sử dụng do chính chồng chị là người đảm nhiệm. Tại trang trại hiện có 4 lô với diện tích gần 5.000m2 để sản xuất rau thủy canh, nước và dinh dưỡng được pha theo công thức phù hợp cho cây rau xà lách để cung cấp cho các máng trồng rau. Lượng nước và dinh dưỡng được cung cấp vừa phải, đủ ướt rễ cây và đủ chất dinh dưỡng để cây phát triển chứ không phải cung cấp một lượng quá nhiều như một số nông trại khác dẫn đến việc dư thừa nước và dinh dưỡng, cây dễ bị bệnh thối rễ, tồn dư lượng trong sản phẩm.
Rau trồng theo phương pháp thủy canh như thế này người trồng kiểm soát hoàn toàn lượng dinh dưỡng cung cấp cho cây sao cho vừa đủ nuôi cây, không lãng phí như khi trồng bón phân vào đất, vì vậy tiết kiệm được chi phí đầu tư phân bón, lượng nước được kiểm tra chặt chẽ và thu gom xử lý lại chứ không lãng phí nguồn nước tưới như khi canh tác trên đất. Mặt khác cây giống cũng được quản lý tốt, hạn chế được tổn hao thất thoát cây giống. Kiểm soát được dịch bệnh, hầu như các loại rau xà lách canh tác theo phương pháp thủy canh của trang trại rất ít bị bệnh. Nhìn qua khu sản xuất cách biệt với những khu sản xuất thông thường, những luống rau xanh mơn mởn nằm cách biệt trên giá cách với mặt đất vì vậy việc lây nhiễm sâu bệnh được quản lý chặt chẽ hơn.
Chị Nguyễn Thị Huệ, chủ nông trại là người điều hành mọi hoạt động sản xuất, cho biết: cách đây hai năm, khi nhận thấy chất lượng rau sạch trồng trên đất không còn đảm bảo, chị đã đầu tư chi phí để cải tạo đất rất tốn kém. Tuy nhiên vẫn không đảm bảo an toàn cho sản phẩm, chất lượng rau vẫn không cải thiện, đặc biệt đối với loại rau xà lách là rau ăn sống thì lại càng cần đảm bảo độ an toàn hơn so với các loại rau được nấu chín. Chị Huệ chia sẻ thêm: “Khi phân tích mẫu rau, dù các thông số đều nằm trong ngưỡng cho phép nhưng chúng tôi vẫn không đạt được ý đồ tạo ra một loại rau sạch có dư lượng phân bón gần như bằng 0”. Còn rau trồng thủy canh thì chỉ cần cắt bộ rễ là có thể ăn ngay hoặc rửa nhẹ sơ rau trong nước để loại bỏ bụi li ti trong không khí. Vì hoàn toàn không dùng đất lại được trồng trong nhà kính, trên các kệ cách mặt đất nên rau sạch ngay từ khi trồng.
Hạt giống được ươm trong vỉ xốp 25 ngày sau đó cấy trên máng trồng cây con khoảng 10 ngày rồi chuyển qua máng trồng khoảng 2 tuần nữa là thu hoạch được. Về hiệu quả kinh tế, chị Huệ cho biết canh tác theo phương pháp thủy canh hồi lưu đạt năng suất bình quân khá cao do ở đây ông xã chị là người nước ngoài, anh ấy rất quan tâm đến chất lượng rau, vì vậy đã nhiều năm nghiên cứu và quyết tâm đầu tư chi phí để xây dựng các lô sản xuất như hiện nay, và dinh dưỡng cũng do anh tự tính toán và cân đo rồi hướng dẫn cho 1 cán bộ kỹ thuật thực hiện. Theo chị tính đến nay đầu tư trên 100 tỷ, tuy nhiên việc thu hồi vốn cũng nhanh, do hiện nay rất nhiều tỉnh đặt hàng, song sản lượng không đủ cung cấp nên chị chỉ để bán tại các cửa hàng của trang trại tại một số tỉnh Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang. Theo chị thì việc trồng rau thủy canh có yêu cầu là phải tuân thủ nghiêm ngặt về lượng dinh dưỡng thì rau mới đạt yêu cầu về hình thức cũng như chất lượng, không có dư lượng phân bón là tiêu chí quan trọng của sản xuất thủy canh”.
Chị Huệ rất bận rộn với công việc, hầu như rất ít đi ra ngoài. Tuy nhiên, hàng tuần đều có vài đoàn khách từ các nơi đến tham quan học tập, thậm chí có ngày 2-3 đoàn. Chị cho biết, các mặt hàng của Trang trại chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường trong nước, vì vậy chị đang từng bước hoàn thiện và mở rộng thêm diện tích, qui mô và hiện tại các sản phẩm chưa có bán tại Đà Lạt và chưa có cửa hàng giới thiệu sản phẩm cho khách du lịch và người dân trên địa bàn. Chị mong muốn trong thời gian tới chính quyền địa phương tạo điều kiện cho mặt bằng để chị mở cửa hàng giới thiệu các sản phẩm rau cao cấp của trang trại tại Đà Lạt cho du khách.
Hoài Nam - TTKN Lâm Đồng