Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay | 2590 | |
Hôm qua | 9154 | |
Tháng này | 56147 | |
Tổng cộng | 6399272 |
Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã nghèo
Không có nhiều lợi thế trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như nhiều địa phương khác, nhưng xã Đan Phượng lại đang dần trở thành một trong những địa phương mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Lâm Hà.
Cây ăn quả đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: H.Thắm
Ở một xã nghèo như Đan Phượng, việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã từng bước giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong đó, chủ yếu tập trung tái canh cây cà phê, phát triển trồng tiêu và cây ăn quả.
Hiệu quả cao
Thương hiệu cam Đường Canh của gia đình anh Nguyễn Mạnh Chiến (thôn Nhân Hòa) từ lâu đã quen thuộc tại nhiều địa phương trong cả nước. Cách đây hơn 10 năm, anh Chiến đã thử nghiệm trồng cây ăn quả, nhưng liên tiếp thất bại khi không thấu hiểu đặc tính cây trồng và thiếu kỹ thuật chăm sóc. Sau khi tham gia các lớp tập huấn và tham quan thực tế các mô hình cam ở Hà Giang, từ năm 2010, anh Chiến đã bắt đầu trồng xen canh cam trong vườn cà phê. Nhận thấy hiệu quả mang lại rất cao, năm 2013, anh mạnh dạn phá bỏ 3,5 ha cà phê, chuyển sang trồng cam. Với giá bình quân 55.000 đồng/kg, hàng năm gia đình anh thu lãi khoảng 1 tỉ đồng.
Nhiều người dân trong thôn và trong xã cũng đến tham quan và nhờ anh truyền đạt kinh nghiệm. Hiện nay, ở Đan Phượng đã có trên 10 hộ gia đình mạnh dạn chuyển đổi từ cà phê sang trồng các giống cam Đường Canh, cam Vinh… mang lại thu nhập ổn định.
Với diện tích 1,5 ha, gia đình chị Phạm Thị Quý đã mạnh dạn phá bỏ 7 sào cà phê, chuyển sang trồng hơn 1.700 gốc tiêu. Cuối năm nay, gia đình chị sẽ thu bói 650 trụ. Theo ước tính, mỗi gốc tiêu sẽ cho thu hoạch khoảng 5 kg. Với giá trị như hiện nay, thu nhập từ cây tiêu sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với trồng 1,5 ha cà phê. Theo chị Quý, tuy vốn đầu tư ban đầu để trồng tiêu khá cao, công thuê máy móc để đào và cải tạo đất, tiền đầu tư xây dựng nhà lưới và phải có thời gian cho đất nghỉ… nhưng với giá tiêu như hiện nay thì chỉ sau một đến hai năm sẽ thu hồi được vốn. “Tôi mới chuyển đổi gần 1/2 diện tích, vẫn giữ lại một ít cà phê để lấy ngắn nuôi dài, phòng trường hợp gặp rủi ro. Nếu thuận lợi, trong năm tới gia đình tôi sẽ chuyển sang trồng xen canh các loại cây ăn quả để tăng thu nhập”, chị Quý cho biết.
Ðịnh hướng chuyển đổi theo hướng bền vững
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên toàn xã Đan Phượng, ngoài 3 cây trồng chủ lực là lúa, cà phê, dâu thì diện tích trồng cây ăn quả đã lên đến hơn 100 ha, tăng 24 ha so với kế hoạch đặt ra. Diện tích tiêu đạt 20 ha, tăng 30% so với cùng kỳ.
Công tác khuyến nông, phòng trừ dịch và kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng được tăng cường. Nhờ vậy trong năm qua, không còn tình trạng dịch bệnh xảy ra, năng suất, chất lượng cây trồng từ đó được đảm bảo.
Ông Nguyễn Quang An, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Trong thời gian tới, xã sẽ tập trung đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng và chuyển đổi giống nhằm hình thành các vùng chuyên canh có năng suất và chất lượng cao, nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác nông nghiệp. Xã cũng chú trọng xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết để hình thành chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đối với cây trồng chủ lực là cà phê, xã đẩy mạnh triển khai đề án phát triển cà phê bền vững. Đồng thời khuyến khích phát triển sản xuất cà phê theo hướng công nghệ cao, tập trung cải tạo các vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp ghép chồi và thay thế bằng giống cà phê chọn lọc.
“Thực tế cho thấy việc chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như tiêu, dâu tằm, đặc biệt là cây ăn quả đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Những loại cây này ít vấp phải tình trạng “được mùa mất giá” kéo dài. Tuy nhiên, xã cũng có những khuyến cáo cho bà con, không nên chuyển đổi một cách đột ngột nếu như quỹ đất sản xuất của mình hạn chế”, ông An nhấn mạnh.
Hồng Thắm (Nguồn: baolamdong.vn)