Liên kết website

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

06399084
Hôm nayHôm nay2402
Hôm quaHôm qua9154
Tháng nàyTháng này55959
Tổng cộngTổng cộng6399084

Thực hiện Quyết định số 907/QĐ-UBND ngày 15/5/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc chọn huyện Đơn Dương làm huyện điểm xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Bằng sự cố gắng của cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở và của toàn dân, huyện Đơn Dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn huyện có 1 xã đạt 9 tiêu chí, 2 xã đạt 2 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 3-5 tiêu chí, đến nay toàn huyện đã có 7/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã còn lại đạt 17 tiêu chí, 2 thị trấn phát triển đạt chuẩn văn minh đô thị. Huyện Đơn Dương cơ bản đạt huyện chuẩn nông thôn mới.

 

 

Một trong những kinh nghiệm được rút ra từ phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Đơn Dương đó là phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích coi đó là cái gốc để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong lĩnh vực trồng trọt đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát huy thế mạnh của địa phươngchú trọng phát triển cây trồng có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cây lúa bắp được chuyển một phần diện tích sang cây rau; Cây rau ứng dụng sản xuất theo hướng công nghệ cao và cây hoa chú trọng sản xuất các chủng loại có giá trị kinh tế cao và có liên kết sản xuất tiêu thụ. Tổng diện tích rau, hoa ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao hiện nay chiếm tỷ lệ trên 72% đất canh tác rau. Sản xuất rau, hoa theo hướng công nghệ cao đạt kết quả trên cả 3 lĩnh vực: chuyển biến về nhận thức, tăng về giá trị sản xuất và nhân rộng mô hình. Giá trị sản xuất năm 2010 đạt 76 triệu đồng/ha/năm, đến nay đạt trên 150 triệu đồng; đặc biệt những mô hình rau hoa công nghệ cao giá trị sản xuất đạt trên 1 tỷ đồng/ha.

Trong chăn nuôi tập trung công tác cải tạo đàn bò vàng, tỉ lệ sind hóa đàn bò đạt trên 50%;  đàn bò sữa toàn huyện có 9.500 con, trong đó bò sữa trong nhân dân trên 6.500con. Năng suất sữa bình quân trên 6 tấn/chu kỳ. Trên 90% hộ chăn nuôi đã ứng dụng máy vắt sữa, 100% chuồng trại cơ bản đảm bảo, hàng ngày sản lượng sữa bò trong dân toàn huyện đạt trên 50 tấn. Đàn bò sữa phát triển theo hướng tăng quy mô đàn, mở rộng địa bàn và đối tượng chăn nuôi. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập cao từ chăn nuôi bò sữa.

Một số nội dung huyện đã tập trung cho phát triển sản xuất đó là:

- Tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình điểm, tổ chức cho nông dân tham quan học tập các mô hình tốt từ đó ứng dụng vào thực tiễn, xây dựng chuyên mục khuyến nông trên đài truyền hình huyện.

- Ứng dụng rộng rãi giống mới vào sản xuất: 100% giống cây lương thực, 100% giống rau hoa, trên 80% giống cây công nghiệp... đã ứng dụng giống mới. Kỹ thuật ghép trên cây rau (ớt ngọt, cà chua), cây ăn quả (hồng) được ứng dụng rộng rãi. 100% cây giống rau được gieo ươm trong nhà kính với dây chuyền sản xuất tự động từ khâu cho đất vào vỉ đến khâu gieo hạt. Trong chăn nuôi đàn bò được cải tạo theo hướng sind hóa, đàn bò sữa chủ yếu giống HF, từng bước sử dụng tinh giới tính bò sữa để nhân đàn.

- Ứng dụng vật tư đầu vào chất lượng cao: sử dụng phân bón chất lượng tốt rộng rãi vào sản xuất, các loại phân bón chất lượng cao chuyên dùng cho hệ thống tưới tự động, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học... từ đó đã góp phần tiết kiệm chi phí và an toàn cho môi trường.

- Ứng dụng các công nghệ vào sản xuất rau hoa công nghệ cao như màng phủ nông nghiệp, nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới, bón phân qua hệ thống tưới..., đã tạo cho cây có năng suất cao, chất lượng tốt, sản phẩm đảm bảo an toàn.

- Thu hoạch sản phẩm: các loại nông sản  thu hoạch được ứng dụng sơ chế đơn giản trước khi đóng gói phổ biến trên cây ăn quả (hồng), cà phê, một số mặt hàng rau... Trong chăn nuôi bò sữa 100% đã ứng dụng máy vắt sữa, máy băm cỏ.

Thông tin tiếp cận công nghệ từ nhiều kênh khác nhau như từ các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án khoa học công nghệ, các mô hình trình diễn, các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, các buổi tham quan thực tế, đài truyền hình, điểm thông tin khoa học công nghệ.. .Ngoài ra, nhân dân trên địa bàn huyện còn được tiếp nhận các kết quả khoa học công nghệ từ các Doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trên địa bàn huyện nhiều cá nhân đã có sáng chế ra các sản phẩm ứng dụng rộng rãi trong sản xuất như máy vào đất vỉ xốp, máy gieo hạt giống rau, máy băm cỏ... từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất.

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người đáng kể. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đã đạt 41,4 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo còn 2,24%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới. Từ sản xuất phát triển nhân dân đã chủ động chỉnh trang nhà cửa, góp vốn, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, phát động nhiều phong trào xây dựng nông thôn như phong trào xây dựng nông thôn sáng xanh sạch đẹp, phong trào năm không ba sạch...

Huyện Đơn Dương quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Một trong những giải pháp quan trọng được đặt ra đó là tiếp tục phát triển sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Ưu tiên đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào chương trình nông nghiệp công nghệ cao trên lĩnh vực rau, hoa, bò sữa. Tăng cường tuyên truyền những mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đạt hiệu quả tốt đến nhân dân và vận động nhân dân ứng dụng vào sản xuất nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn huyện.

 

Lê Thị Bé - Phòng NN và PTNT Đơn Dương

Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Tất Dương - Giám đốc Trung tâm

Top