Liên kết website

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

07010007
Hôm nayHôm nay1344
Hôm quaHôm qua3471
Tháng nàyTháng này60001
Tổng cộngTổng cộng7010007

Những năm gần đây, phong trào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đã được nhiều địa phương trong cả nước quan tâm phát triển. Với lợi thế của một địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng không nằm ngoài xu thế phát triển bền vững này.

Gia đình ông Lê Văn Thạnh (ở xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) hiện nuôi khoảng 60 con bò sữa, 50% trong số đó đang trong thời kỳ kinh doanh với năng suất sữa đạt bình quân 20 kg/con/ngày. Để nâng cao thu nhập, bên cạnh bò sữa, từ đầu năm 2022, anh Thạnh đã tận dụng nguồn phân bò để nuôi 500m2 trùn quế. Mô hình nông nghiệp tuần hoàn này không chỉ giúp gia đình anh giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập,… mà tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cũng được cải thiện đáng kể. Đây chính là mục tiêu quan trọng mà một nền nông nghiệp hiện nay đang đặt ra. Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất khép kín, chất thải và phế phụ phẩm được tái tạo và là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Hướng đầu tư này giúp tối ưu việc sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí sản xuất, hạn chế những tác động tiêu cực cho môi trường, tăng hiệu quả canh tác… Chính những ưu việt đó mà nhiều năm gần đây, phong trào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đã được nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ưu tiên phát triển. Phổ biến hiện nay là các mô hình sử dụng các loại phế phẩm trong trồng trọt ủ làm phân bón hữu cơ hoặc sử dụng nguồn phân từ chăn nuôi gia súc, gia cầm làm phân bón cho cây trồng…

Anh Hoàng Công Quế ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương cho biết, sau khi trồng xong 1 lứa dâu tây, gia đình anh tận dụng nguồn giá thể, xử lý để tiếp tục canh tác một số loại nông sản ngắn ngày. Không chỉ giảm từ 20 - 30% chi phí đầu tư, giải pháp này còn là tiền đề để khuyến khích gia đình anh Hoàng Công Quế phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được xác định là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ phế phẩm trong sản xuất, bảo vệ môi trường. Với vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh, nguồn phụ phẩm từ hoạt động sản xuất trồng trọt và chăn nuôi là rất lớn, tổng khối lượng phụ phẩm từ trồng trọt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay khoảng 1,62 triệu tấn/năm, chủ yếu là từ các loại cây trồng như lúa, bắp, cà phê, rau, đậu… Còn trên lĩnh vực chăn nuôi, ước mỗi năm khối lượng chất thải từ việc chăn nuôi gia súc, gia cầm khoảng hơn 1 triệu tấn. Dựa trên nguồn phụ phế phẩm dồi dào và đa dạng chủng loại đó, nhiều giải pháp khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn đã được triển khai. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là một giải pháp hợp lý, nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững. Đây chính là hướng đầu tư đang được tỉnh Lâm Đồng ưu tiên phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Để phát triển nông nghiệp tuần hoàn trong thời gian tới, với lĩnh vực trồng trọt cần phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực trồng trọt để cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng hướng đến phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại; Phát triển kinh tế tuần hoàn đảm bảo tính đồng bộ gắn kết giữa các trang trại, các doanh nghiệp, góp phần ổn định bền vững trong chuỗi sản xuất và môi trường hướng tới nền kinh tế xanh; Áp dụng các biện pháp công nghệ để tái chế, xử lý các phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ để phục vụ sản xuất. Trong lĩnh vực chăn nuôi định hướng nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và nông dân về kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi; Tăng cường công tác tuyên truyền để nhân rộng các mô hình chăn nuôi tuần hoàn đem lại hiệu quả cao; Xây dựng chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi cho cả hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải chăn nuôi; Xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái trong trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp hữu cơ cho trồng trọt; Áp dụng các kỹ thuật mới sản xuất phân bón từ phân và chất thải chăn nuôi, khí đốt từ hầm Biogas, sử dụng làm nguyên vật liệu nuôi trồng đối tượng khác để khép kín tuần hoàn sản xuất; Khuyến khích nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn, các mô hình liên kết hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; Xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng thức ăn chăn nuôi phối trộn, sử dụng phế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong chăn nuôi.

Văn Đắc - TTKN Lâm Đồng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Tất Dương - Giám đốc Trung tâm

Top