Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ những cây, con kém hiệu quả sang những sản xuất nông sản khác có giá trị cao như chanh dây, ớt, cà tím, bò lai sind... đã giúp cho kinh tế của xã Đa Quyn có bước chuyển biến tích cực, giúp nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. 
Trồng chanh dây đem lại thu nhập cao cho bà con dân tộc thiểu số Đa Quyn. Ảnh: H.Y
Trồng chanh dây đem lại thu nhập cao cho bà con dân tộc thiểu số Đa Quyn. Ảnh: H.Y
Hơn 2 năm trước, gia đình anh Ha Soan là một trong những hộ nghèo khó khăn nhất của thôn Tơ MRang (Đa Quyn). Gia đình anh có 8 khẩu, mọi sinh hoạt chi tiêu chỉ trông chờ vào 5 sào cà phê già cỗi hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập thấp, vì vậy đói nghèo cứ đeo bám mãi.
Thấy cuộc sống khó khăn, Ha Soan cũng muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để kinh tế gia đình ổn định hơn nhưng chưa biết phải lựa chọn loại cây trồng nào. Đầu năm 2016, khi Công ty Trường Hoàng vào ký kết hợp đồng với người dân để trồng chanh dây, anh đã mạnh dạn phá 2 sào cà phê để liên kết trồng chanh dây với công ty. Công ty đã cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và một phần phân bón, nếu chăm sóc kỹ trái đạt chất lượng thì công ty sẽ thu mua hết. Chỉ mới trồng hơn một năm mà hiệu quả kinh tế đã thấy rõ. Lứa đầu tiên anh thu được 3 tấn quả, với giá bán loại một 15.000 đồng, loại 2 bán 10.000 đồng và loại 3 với giá bán 6.000 đồng… Nhờ chanh dây cho hiệu quả kinh tế cao, anh tích lũy được ít vốn, rồi vay mượn thêm chăn nuôi bò lai sind.
Đến nay, 2 sào chanh dây, 3 sào cà phê cùng với đàn bò, heo mang về tổng thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Gia đình Soan đã thoát được nghèo, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành. Anh Soan đang dự định phá 3 sào cà phê còn lại, đồng thời mua thêm đất để mở rộng diện tích trồng chanh dây, tăng thu nhập cho gia đình.
Còn đối với ông Ya Bênh (ở thôn Chơ Rung) thoát nghèo nhờ sự đầu tư của nhà nước. Ông cho biết: “Là hộ nghèo nhất của thôn, thế nhưng nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ lúa một vụ sang trồng ớt sừng và cà tím, bên cạnh đó được sự đầu tư của nhà nước cho hệ thống tưới tự động đã giúp năng suất cây trồng vượt trội. 
Thu nhập bình quân một năm qua tương đối cao, khoảng 80 triệu đồng/3 sào, nên gia đình ông Ya Bênh trở thành một trong các hộ thoát nghèo bền vững của xã.
Bà Phạm Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Quyn cho biết, kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp, vì vậy địa phương xem việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi là hết sức quan trọng. Trước đây, việc đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi còn chậm nên năng suất, chất lượng chưa cao, không tạo ra được các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa; trong khi đó tiềm năng đất đai còn nhiều nhưng lại chưa thể khai thác hiệu quả. Do đó, những năm gần đây, khi làn sóng các công ty, HTX tìm nguồn đất để sản xuất nông nghiệp, Đa Quyn trở thành vùng đất màu mỡ được các đơn vị lựa chọn. Nhờ vậy, đã từng bước xóa bỏ tập tục sản xuất lạc hậu của người dân. Hiện nay, bà con đã rất mạnh dạn chuyển đổi nhưng vẫn chưa nhiều bởi họ còn thiếu vốn sản xuất.
Bà Ma Thạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Quyn cho biết, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đã triển khai khá nhiều mô hình và hầu hết các mô hình này đều đem lại hiệu quả. Qua đó, đã triển khai mô hình trồng quýt đường 0,2 ha cho 1 hộ tại thôn Tơ MRang, hiện tại đang phát triển tốt; 2 mô hình tưới phun mưa tự động ứng dụng theo hướng công nghệ cao tại thôn Tơ Mrang và thôn Chơ Rung với tổng diện tích 1 ha, nâng tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong năm là 15,05 ha. Bên cạnh đó, các hộ dân đã liên kết với Công ty Trường Hoàng trồng chanh dây với diện tích 5 ha cho 20 hộ tham gia ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã, được công ty hỗ trợ giống 100%. Xã cũng phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện tổ chức thành công 4 lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 200 lượt người tham gia về cách trồng, chăm sóc, cách bón phân cho cây cà phê, kỹ thuật ghép cải tạo cà phê, quản lý sâu bệnh hại trên cây cà phê, cách chăm sóc và phòng bệnh trên cây lúa…;triển khai mô hình nuôi bò cái lai sind 5 con tại các thôn Toa Cát, Tơm Rang, Ma Kir, Chơ Rung với tổng kinh phí là 30 triệu đồng/con, nhân dân đối ứng 50%...
Từ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi đã giúp thu nhập bình quân đầu người của xã tăng lên đáng kể (từ 12 triệu đồng/người/năm năm 2011 lên 29,2 triệu đồng/người/năm năm 2017). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Đa Quyn giảm xuống còn 9,45% (giảm 7,48% so với đầu năm).    
 
Hoàng Yên (Nguồn: baolamdong.vn)
Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Tất Dương - Giám đốc Trung tâm

Top