Khởi nghiệp bằng nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề đang được cả nước quan tâm. Là địa phương dẫn đầu trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, Lâm Đồng đã có những kinh nghiệm thực tiễn trong khởi nghiệp ở lĩnh vực này, cũng như cùng doanh nghiệp gỡ khó cho các “nút thắt” khởi nghiệp trong nông nghiệp công nghệ cao.
Nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: D.Thương
Nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu
Anh Nguyễn Văn Dương (38 tuổi) hiện là người đứng đầu của 2 công ty rau thủy canh tại TP Đà Lạt: Công ty Nông sản thủy canh Việt Nam (chuyên về trồng, phân phối rau thủy canh) và Công ty TNHH Đà Lạt rau thủy canh (chuyên phân phối hệ thống trồng, chuyển giao công nghệ trồng rau thủy canh trên toàn quốc và phát triển du lịch canh nông). Tổng doanh thu 2 công ty đạt hàng tỉ mỗi năm và giải quyết việc làm cho 60 lao động với mức lương từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. 
Chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực này, anh Dương chia sẻ: Khi quyết định đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tôi cũng có rất nhiều trăn trở, đặc biệt là vấn đề đầu ra cho sản phẩm, tính toán bài toán sao cho tạo lợi nhuận từ những sản phẩm chất lượng cao mà giá thành cũng phải cạnh tranh, đáp ứng được đúng nhu cầu mà thị trường đang cần. Khi chọn làm nông nghiệp công nghệ cao thì bản thân tôi cũng tính toán đến rủi ro vì đầu tư ban đầu khá lớn. Cuối cùng thì chất lượng sản phẩm mới là yếu tố quyết định thành công của công ty chúng tôi, những xu hướng nông nghiệp công nghệ cao mới (thủy canh, nông nghiệp thông minh…) vẫn đang là hướng đi mà công ty chọn. 
Nâng gói hỗ trợ từ 60.000 tỉ đồng đến 100.000 tỉ đồng là một trong những giải pháp quan trọng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao và giao cho Ngân hàng nhà nước chủ trì vận động các ngân hàng có gói tín dụng cần thiết hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao.

Trao đổi về vấn đề này, anh Phan Đức Thái - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cũng có nhận định: Thực tế từ các ý tưởng của các bạn trẻ, thanh niên trong tỉnh, có rất nhiều ý tưởng hay, khác biệt, tuy nhiên một trong những khó khăn chính là sự liên kết giữa người có ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với người nghiên cứu nhưng không biết chuyển giao ở đâu. Cho nên vấn đề tạo “Hệ sinh thái khởi nghiệp” là vấn đề mà theo tôi cần được quan tâm và gỡ khó, vì nếu không có mối liên kết này thì việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp công nghệ cao sẽ không đồng nhất, cần liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp trong hệ sinh thái này.

Trong thực tế, khởi nghiệp trong nông nghiệp công nghệ cao cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc đang cần được tháo gỡ như: Luật đất đai, vốn khởi nghiệp, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao từ nước ngoài, chính sách nhập máy móc, thiết bị… Đặc biệt, vốn vẫn là vấn đề chính của khởi nghiệp, vì các ngân hàng, quỹ tín dụng còn rất “dè chừng” khi hỗ trợ cho vay vốn nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phân tích: Là địa phương dẫn đầu trong nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, Lâm Đồng cũng có những kinh nghiệm lớn trong việc hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ cao. Quan trọng nhất vẫn là ý tưởng, cần phải xác định được các sản phẩm của mình sẽ nằm ở phân khúc nào, thị trường ở phân khúc đó đòi hỏi những gì, cần những công nghệ gì, tiêu chuẩn ra sao để đáp ứng cho thị trường đó. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện nay đã được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh chọn để khởi nghiệp và thực tế đã có rất nhiều đơn vị thành công, với nhiều hướng đi khác nhau. Tỉnh cũng có nhiều hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao như hỗ trợ về kỹ thuật, tạo các cuộc xúc tiến thương mại sản phẩm cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, kêu gọi đầu tư, gần đây Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh có ưu tiên những đối tượng bao gồm các cá nhân, nhóm cá nhân có ý tưởng, phương án khởi nghiệp, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu có dự án phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ. Dự kiến mức hỗ trợ 50% cho các cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ thông tin về: công nghệ, sáng chế, chính sách pháp luật, giao dịch đầu tư, tìm kiếm đối tác, khách hàng, sản phẩm, dịch vụ, môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng phát triển thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại… 
Một lợi thế lớn mà Lâm Đồng có chính là các Cơ chế đặc thù phát triển TP Đà Lạt mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, trong đó ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nhà đầu tư tham gia đầu tư tại thành phố Đà Lạt được miễn thuế nhập khẩu vật tư, trang thiết bị để đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao mà trong nước chưa sản xuất được trong thời gian 5 năm đầu thực hiện Quyết định này.
Một khi vấn đề “nút thắt” được khơi thông, nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng được tạo đà vững chắc sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, các doanh nghiệp tỉnh nhà cũng sẽ mạnh dạn thực hiện các ý tưởng của mình, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị mới, sớm đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh có nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, vươn tầm trở thành “Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao” của Đông Nam Á.
Diễm Thương (Nguồn: baolamdong.vn)
Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Văn Tuận - Giám đốc Trung tâm

Top