Liên kết website

 

Bao bì sài gòn

 

Phần mềm tra cứu thuốc BVTV

Thống kê truy cập

04445919
Hôm nayHôm nay1980
Hôm quaHôm qua7083
Tháng nàyTháng này60001
Tổng cộngTổng cộng4445919

Được thành lập từ năm 2016 với 3 hộ tham gia học tập và sản xuất rau củ quả, rau ăn lá theo truyền thống, tự cung tự cấp rau an toàn cho gia đình và bà con trong vùng, sản phẩm sản xuất ra dần dần không đủ cung cấp cho bà con. Từ đó, các hộ đồng bào trong thôn thấy được giá trị khi sản xuất rau hữu cơ đã tự giác tham gia vào tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ, nâng tổng số thành viên lên 14 người.

Tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ tại thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương đã hoạt động được 3 năm trên tinh thần phát triển tự người dân thành lập và sản xuất theo quy trình sản xuất rau hữu cơ, chỉ sử dụng phân heo, phân bò ủ với vỏ cà phê, thân cây chuối, rau củ loại bỏ và rơm rạ được trộn lẫn ủ từ 2-3 tháng cho phân hoai mục và đem bón ra từng luống ruộng để trồng rau, củ, quả các loại. Tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu mà chỉ bắt bằng tay hoặc phun bằng các loại như ớt, tỏi, gừng... giã nhỏ rồi pha nước phun hoặc giã hạt Neem ủ và phun phòng bệnh cho cây khi cần thiết. Sản phẩm được bán cho bà con trong vùng và tự cung cấp cho gia đình, một phần cung cấp cho thị trường TP. Đà Lạt và TP. Hồ Chí Minh.

Qua quá trình sản xuất thấy được giá trị sản phẩm mang lại cũng như nhu cầu dùng sản phẩm của bà con và thị trường ngày càng nhiều. Từ đó, một số hộ trong thôn xin tham gia và sản xuất theo hướng dẫn của các hộ đã làm trước, được sự ủng hộ cũng như hỗ trợ một phần kinh phí cho xây dựng khu sơ chế và hoạt động của tổ hợp tác (đất do 1 hộ cho mượn để xây nhà còn kinh phí thì một phần do Caritas Đà Lạt hỗ trợ và người tiêu dùng sản phẩm từ Sài Gòn và Đà Lạt hỗ trợ cho tổ hợp tác) và đào tạo kỹ thuật canh tác rau hữu cơ như rau ăn lá, củ, quả cho các hộ tham gia của Caritas Đà Lạt (Caritas Dalat farmer’s là hệ thống đảm bảo có sự tham gia của người dân), tổng diện tích gieo trồng trong tổ hợp tác hiện nay là 15.000m2, mỗi hộ tham gia từ 200 - 4.000m2 và được hướng dẫn kỹ thuật canh tác rau hữu cơ. Ngoài ra, về cây, hạt giống và quản lý sâu bệnh hại được anh Thắng chủ farm sản xuất rau hữu cơ Thiên Sinh hướng dẫn và hỗ trợ thêm cũng như trong cộng đồng chia sẻ các hạt giống do tự bà con để giống lại.

Theo chị Song Tứ - cán bộ phụ trách tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ Iem Goh Churu, thôn Ma Đanh cho biết: Các hộ đồng bào dân tộc thôn Ma Đanh lúc đầu rất khó khăn về kinh tế cũng như trình độ hiểu biết, song trong quá trình hoạt động sản xuất theo hướng hữu cơ, người dân thấy được hiệu quả cao hơn so với sản xuất thông thường, sử dụng phân hữu cơ sẵn có và tận dụng được phế phụ phẩm trong sản xuất để chăm sóc cây trồng mà không phải tốn tiền mua các loại phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng năng suất vẫn ổn định… Hơn nữa còn bảo vệ được môi trường, tạo ra được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nhu cầu thị trường cao, giá cả ổn định, qua đó đã làm thay đổi cách nhìn của bà con nông dân, từng bước thay đổi cách canh tác theo quy trình sản xuất hữu cơ cho ra sản phẩm an toàn để cung cấp cho nhu cầu của thị trường, tăng thêm thu nhập cho bà con trong thôn.

Sản phẩm của tổ hợp tác gồm các loại rau như xà lách, cải thảo, cải bắp, hành paro, củ dền, cà chua, dưa leo, đậu rồng, cà rốt, các loại hạt bắp, đậu các loại… Sản phẩm thu hoạch vào ngày thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, các thành viên sẽ thông báo số lượng các loại sản phẩm của mình cho tổ trưởng, rồi thông báo cho khách hàng đặt hàng. Tổng cộng số lượng sản phẩm các loại cho các thành viên có sản phẩm thu hoạch mang ra cơ sở sơ chế và đóng gói 0,5 kg/gói sản phẩm, sau đó đóng thùng 12 kg các loại và gửi xe lên Đà Lạt và TP. HCM cho khách hàng.

Theo chị Điểm và chị Ma Liễu cùng các thành viên trong tổ cho biết: “Tham gia tổ hợp tác rất vui, được học, được tham gia các hoạt động và sản xuất rau hữu cơ rất an toàn, không tốn nhiều tiền mua phân bón hóa học, đất trồng được bón phân hữu cơ do mình tự ủ không tốn nhiều tiền, đất trồng bón phân chuồng nhiều nên rất tốt, nhiều khi trồng rau không có phân, cây rau vẫn tốt, sâu thì bắt bằng tay, giã gừng, ớt, hạt Neem phun cho cây, không phun bằng thuốc hóa học độc hại cho sức khỏe, sản phẩm rau thu hoạch an toàn, nhu cầu của thị trường tiêu thụ nhiều. Nhưng bất lợi là khi gặp thời tiết mưa nhiều, phát sinh bệnh nặng thì phải phá bỏ trồng lại lứa khác chứ tuyệt đối không dùng thuốc hóa học”. Qua đó, cũng cho thấy ý thức tự giác của các thành viên trong tổ hợp tác được nâng cao và sản phẩm được sự giám sát lẫn nhau của các thành viên trong tổ. Thu nhập trung bình của mỗi thành viên với 500m2 đất sản xuất mỗi tháng thu được trung bình 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Trong năm 2019, tổ hợp tác được Viện Môi trường Nông nghiệp và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng tổ chức tập huấn về các tiêu chuẩn trong trồng trọt hữu cơ và quy trình ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học trong sản xuất rau hữu cơ. Từ đó, giúp cho các thành viên có tinh thần và ý thức hơn cho sản xuất rau hữu cơ, cũng như truyên truyền và phổ biến cho các hộ trong thôn mở rộng diện tích trong thời gian tới. Các thành viên của tổ hợp tác mong muốn trong thời gian tới được hỗ trợ thêm về kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp cho tổ hợp tác mở rộng thêm diện tích đất gieo trồng và phát triển thêm nhiều thành viên trong thôn tham gia sản xuất rau hữu cơ để tăng thu nhập cho bà con.

Hoài Nam - TTKN Lâm Đồng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Văn Tuận - Giám đốc Trung tâm

Top