Tỉnh Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên, có địa hình tương đối phức tạp gồm các bình nguyên, nhiều núi cao và các thung lũng nhỏ. Tỉnh Lâm Đồng có 142 đơn vị cấp xã (111 xã, 18 phường và 13 trị trấn)/12 huyện, thành phố với tổng số dân 341.687 hộ dân, trong đó hộ dân nông thôn là 210.056 hộ dân, chiếm 61,48% dân số trên toàn tỉnh.

Hiện nay, tình hình sử dụng nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 96,15% (tương đương 201.965/210.056 hộ dân). Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn Việt Nam (QC01-1:2018/BYT) là 35,43% (tương đương 74.432/210.056 hộ dân). Tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh là 91,29% (tương đương 6.058/6.636 hộ nghèo). Tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước sạch theo quy chuẩn Việt Nam (QC01-1:2018/BYT) là 17,08% (tương đương 1.133/6.636 hộ nghèo).

Hiện nay, người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được cấp nước sinh hoạt chủ yếu từ các nguồn như: Nhà máy cấp nước thành thị; công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn; nhà máy nước do tư nhân đầu tư, quản lý và từ các công trình nhỏ lẻ (giếng đào, giếng khoan) do người dân tự đầu tư. Riêng đối với số hộ sử dụng nước sinh hoạt từ nguồn nước máy là 37.708 hộ, chiếm 17,95% hộ dân nông thôn, trong đó: Số hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt từ 277 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn là 18.558/210.056 hộ dân, chiếm 8,83% hộ dân nông thôn; Số hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt từ 12 nhà máy cấp nước thành thị cấp nước cho 19.150/210.056 hộ dân, chiếm 9,12% hộ dân nông thôn.

Về chất lượng nước sinh hoạt tại khu vực nông thôn: Đối với các nhà máy cấp nước thành thị và công trình do tư nhân đầu tư, nguồn nước cấp cho người dân được xử lý đạt tiêu chuẩn nước sạch theo quy định. Đối với nguồn nước tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, nguồn nước chủ yếu được xử lý thô, chưa có hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn nên phần lớn các công trình đều không đạt tiêu chuẩn nước sạch. Theo kết quả phân tích mẫu năm 2022 tại 42/277 công trình: có 14/42 công trình đạt tiêu chuẩn nước sạch, chiếm 33,3%; 28/42 công trình không đạt, chiếm 66,7%. Đối với các công trình nhỏ lẻ do nguồn kinh phí có hạn nên đơn vị chưa thực hiện lấy và phân tích mẫu nước để đánh giá chất lượng nước. Chỉ tiêu để đánh giá nước sạch tại hộ nhỏ lẻ chỉ mang tính tương đối dựa trên số hộ có sử dụng máy lọc nước hộ gia đình.

Tính đến hết năm 2022, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn Việt Nam (QC01-1:2018/BYT) là 35,43% (tương đương 74.432/210.056 hộ dân). Trong đó, số hộ dân sử dụng nước sạch từ nguồn nước máy là 26.039 hộ, chiếm 12,4% hộ dân nông thôn. Số hộ dân sử dụng nước sạch từ cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình là 48.393 hộ, chiếm 23,04% hộ dân nông thôn. Tỷ lệ hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt đạt chất lượng nước sạch chiếm 64,57%, đây là một tỷ lệ tương đối lớn thể hiện sự mất bình đẳng và sự công bằng về sự tiếp cận nguồn nước sạch giữa thành thị và nông thôn. Ngoài ra, sự chêch lệch về tiếp cận nguồn nước sạch trong khu vực nông thôn giữa khu vực dân cư tập trung gần thành thị hoặc trung tâm xã với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc cũng tương đối lớn.

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nước sinh hoạt tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới

Về cơ chế, chính sách: Ban hành các chính sách cụ thể, kịp thời về đầu tư và công tác quản lý vận hành công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn nhằm thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn.

Về quản lý nhà nước: Hàng năm, cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra định kỳ hoạt động khai thác của đơn vị trực tiếp vận hành, khai thác để đánh giá hiện trạng quản lý, khai thác từ đó ban hành các cơ chế quản lý phù hợp, kịp thời. Quan tâm bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước. Đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm tránh đầu tư dàn trải thiếu hiệu quả. Quy định việc đầu tư xây dựng đối với các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn phải đồng bộ, đầy đủ các hệ thống xử lý nước. Nước đầu ra tại các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn phải đạt tiêu chuẩn nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Quy hoạch cấp nước nông thôn đồng bộ, sát với thực tế hiện trạng. Tránh việc đầu tư công trình thiếu quy hoạch.

Về tổ chức thực hiện: Cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả đối với các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Công trình sau đầu tư phải được thành lập, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý vận hành nhằm quản lý và khai thác có hiệu quả công trình. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn công tác quản lý vận hành công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn cho các địa phương nhằm tăng cường năng lực quản lý vận hành công trình cho người quản lý. Hàng năm công trình phải được duy tu, sửa chữa thường xuyên các công trình cấp nước hư hỏng, xuống cấp nhằm duy trì và phát huy hiệu suất hoạt động. Phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền chế độ chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực cấp nước, tuyên truyền về sử dụng nguồn nước tiết kiệm và cùng tham gia bảo vệ công trình.

Phan Văn Hợi - TTKN Lâm Đồng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG LÂM ĐỒNG

Tầng 4, Khu D, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng - 36 Trần Phú - Phường 4 - TP. Đà Lạt

ĐT: 02633.812932 - 02633.824180 Fax: 02633.812270 E-mail: ttknld@gmail.com

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Tất Dương - Giám đốc Trung tâm

Top